pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Cán bộ phụ nữ thường xuyên kiểm tra, giám sát mô hình
Năm 2022 xã Cao Đại đăng ký về đích xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao và chọn thôn Bình Trù làm điểm để triển khai xây dựng thôn dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu. Khi đi vào triển khai thực hiện, ngoài các tiêu chí cần vốn đầu tư thì tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất, do cần phải có sự đồng thuận và phối hợp của người dân mới thực hiện được.
Trước đây, đối với tiêu chí môi trường của xã nông thôn mới, chỉ cần người dân có biện pháp xử lý rác thải là đạt. Tuy nhiên đối với thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thì quy định bắt buộc 100% hộ dân trong thôn phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và có biện pháp xử lý phù hợp mới đạt chuẩn.
Để chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn làm phân Compost".
Chị Phạm Thị Kiều Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ về mô hình cùng PNVN.
- Xin chị giới thiệu đôi chút về ý nghĩa của mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn làm phân Compost" đang được triển khai thí điểm tại địa phương?
Chị Phạm Thị Kiều Loan: Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Tài nguyên & môi trường, Hội LHPN huyện, thôn Bình Trù, xã Cao Đại là thôn đầu tiên trong huyện được lựa chọn làm điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn làm phân Compost.
Mục đích của mô hình là tận dụng triệt để các thành phần trong rác thải sinh hoạt có thể tái chế sử dụng, giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường nói chung, giữ gìn vệ sinh môi trường sống nói riêng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hạn chế phát thải chất thải rắn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phân loại rác thải tại nguồn trong xây dựng thôn dân cư NTM kiểu mẫu và triển khai mô hình theo sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng Tài nguyên & môi trường huyện, Ban chấp hành Đảng bộ xã Cao Đại đã ban hành Nghị quyết số13-NQ/ĐU ngày 30/8/2022, Nghị quyết chuyên đề về triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn làm phân Compost tại thôn Bình Trù năm 2022. Đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc BCĐ, tổ kiểm tra giám sát và thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; xây dựng và ban hành kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 16/9/2022 về việc triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn làm phân Compost thôn Bình Trù năm 2022.
- Chị có thể chia sẻ, mô hình đã được hội viên phụ nữ hưởng ứng, triển khai cụ thể như thế nào?
Chị Phạm Thị Kiều Loan: Sau khi nhận được Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã Cao Đại, Hội LHPN xã đã triển khai họp Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã phổ biến về kế hoạch làm điểm phân loại rác thải tại thôn Bình Trù, chỉ đạo chi hội phụ nữ thôn Bình Trù tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng phong trào.
Tại các dịp sinh hoạt chi, tổ hội như ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10, Hội phát động hội viên thôn Bình Trù đẩy mạnh việc phân loại rác thải; vận động hội viên thực hiện phân loại rác thường xuyên, hàng ngày thành 2 loại: rác hữu cơ và rác vô cơ.
Ngày 10/9/2022 sau khi được tham dự lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn ủ rác thải hữu cơ (rác thải thực phẩm) làm phân compost. Thời gian đầu, Ban chỉ đạo xã phối hợp cán bộ thôn Bình Trù chọn 20 hộ (là các cá nhân, hộ gia đình như: Ban chi ủy thôn, Trưởng thôn, trưởng, phó các chi hội, cán bộ, đảng viên, cá nhân tiêu biểu, Tổ trưởng tổ liên gia …) để triển khai làm điểm.
Thực hiện mô hình, mỗi gia đình đã tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ (chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa) ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy, kim loại, một vài loại rác điện tử... được bỏ riêng để bán cho các đơn vị tác chế. Đối với rác thải vô cơ được tập kết, chờ xe thu gom rác của HTX vệ sinh môi trường của xã đến đưa đi xử lý.
Để mô hình mang lại hiệu quả cao. Đảng ủy xã Cao Đại cũng đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình làm phân Compost do đồng chí Chủ tịch Hội LHPN xã làm tổ trưởng. Với phương châm "Người dân là chủ thể, phụ nữ, nông dân là nòng cốt"; tổ kiểm tra đã trực tiếp xuống từng hộ dân hướng dẫn hội viên thực hiện mô hình, cách phân loại rác, cách nhận biết rác vô cơ và rác hữu cơ. Bên cạnh đó Hội chỉ đạo chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bình Trù phối hợp với các tổ trưởng tổ liên gia thường xuyên kiểm tra các hộ gia đình do Hội phụ trách, quản lý để nắm bắt thông tin, tình hình báo cáo về Hội LHPN xã để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
- Sau gần 1 năm thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa chị?
Chị Phạm Thị Kiều Loan: Mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn làm phân Compost đến nay đã thu được những kết quả bước đầu: Các hộ gia đình biết cách tận dụng và xem rác là nguồn tài nguyên. Trước kia, rác không được phân loại vì thông thường gia đình bỏ hết vào cùng nhau. Từ khi được tuyên truyền, hướng dẫn dùng rác thải hữu cơ ủ làm phân Compost đã giúp các gia đình thay đổi rất nhiều trong nhận thức về rác, không còn nghĩ rác có nghĩa là thứ vứt đi. Khi biết tận dụng thì rác trở thành có ích. Các thành viên trong hộ đã hình thành thói quen phân loại rác thải. Sau khi rác được phân loại và xử lý theo hướng dẫn thì số lượng rác thải mà các hộ gia đình thải ra môi trường hàng ngày cũng giảm đáng kể. Nhân viên vệ sinh môi trường giảm bớt số lượng rác thải thu gom hàng ngày, rác khô ráo hơn, không còn nhiều chủng loại như trước đây.
Kết quả kiểm kê rác cho thấy qua việc phân loại và xử lý rác, lượng rác thải phải mang đến bãi chôn lấp giảm trên 30%.
Với những kết quả đạt được tại thôn Bình Trù – xã Cao Đại, có thể thấy mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn là mô hình hay, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia có trách nhiệm của nhân dân, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Phòng Tài nguyên và môi trường, các ban ngành đoàn thể trong huyện, sự tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã. Đây là nền tảng quan trọng để thôn Bình Trù nói riêng cũng như xã Cao Đại nói chung quyết tâm thực hiện về đích xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Trong thời gian tới mô hình sẽ tiếp tục được duy trì nhân rộng ra 02 thôn còn lại trên địa bàn xã, để chung sức cùng địa phương về đích, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!