'Mổ xẻ' chuyện sức khỏe của bà Clinton và chiến dịch bầu cử

09/09/2016 - 09:00
Chỉ trong chưa đầy một tháng, hàng loạt những tin đồn về tình hình sức khỏe ngày càng đi xuống của bà Clinton bị tung ra bởi những người ủng hộ tỷ phú Trump. Liệu trong những lời đồn đoán này có bao nhiêu phần trăm sự thật?

Từ giữa tháng 8 trở lại đây, tình hình sức khỏe của bà Hillary Clinton đột nhiên trở thành chủ đề chính trị nóng bỏng nhất xoay quanh cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Những tuyên bố vô căn cứ về sức khỏe của bà Hillary Clinton được lan truyền rộng rãi trên khắp các mặt báo mạng. Và chúng được xác định là bắt nguồn từ một tài khoản Twitter được cho là của một người thuộc phe của ứng cử viên Đảng cộng hòa Donald Trump.

Mới đây nhất, nghi vấn về tình hình sức khỏe không mấy khả quan của bà Clinton tiếp tục dấy lên khi clip bà ho liên tục lúc đang phát biểu tại Bang Ohio được tung lên mạng.

suc-khoa-cua-ba-hillary-clinton-4.jpg

Mặc dù, tất cả mới chỉ là tin đồn vô căn cứ, không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho điều trên, nhưng ông Trump đã thẳng thừng ‘hạ bệ’ người đối đầu với mình bằng vấn đề này. Ông cho rằng bà Hillary “thiếu cả sức chịu đựng về mặt thể chất lẫn tinh thần để đối đầu với IS (nhà nước Hồi giáo) và tất cả các kẻ thù mà chúng ta phải đối mặt”. Nhưng trên thực tế hiện nay ông Trump đã 70 tuổi trong khi bà Hillary mới 68 tuổi, vì vậy, có lẽ sức khỏe không chỉ là vấn đề của riêng bà Clinton.

Những câu chuyện thêu dệt về sức khỏe đi xuống của nữ ứng viên Tổng thống bắt nguồn từ tin về một ca phẫu thuật máu đông bà đã phải thực hiện vào năm 2012. Mặc dù, các bác sĩ khẳng định bà đã hoàn toàn bình phục sau ca phẫu thuật, nhưng không ít người hoài nghi về việc này. Năm ngoái trong một lá thư kèm theo kết quả xét nghiệm, bác sĩ cá nhân của bà, Lisa Bardack cho biết: “Bà ấy đang ở trong tình trạng sức khỏe ổn định và phù hợp cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ”.

Vậy cuộc khủng hoảng sức khỏe của bà Hillary đã diễn ra như thế nào?

Vào đầu hè, một người dùng Twitter đã đăng tải những suy đoán của mình về sức khỏe của bà Hillary Clinton bằng việc sử dụng hashtag #HillaryHealth.

Sau đó, vào ngày 4/8, trên trang web Infowars bắt đầu xuất hiện bài viết được cho là của Alex Lones, một người theo thuyết âm mưu bảo thủ. Trong bài viết, ông này đã sử dụng một clip được quay từ tháng 6, trong đó ghi lại cảnh bà Clinton đang nói đùa với các phóng viên hãng AP. Anh này cho rằng clip chính là bằng chứng cho thấy cựu Thư ký nhà nước “bị co giật ngay cả khi ở nơi công cộng” khi thấy bà lắc đầu liên tục trong clip.

suc-khoa-cua-ba-hillary-clinton.jpg
 Hình ảnh bà Hillary được vệ sĩ dìu trên cầu thang bị cho là do tình trang sức khỏe suy yếu của bà.

Ngày 7/8, blogger Matt Drudge thuộc phe bảo thủ đăng một bức ảnh của Hillary Clinton nhận sự hỗ trợ từ các trợ lý sau khi bị trượt trên cầu thang với tiêu đề “Hillary chinh phục những bậc thang”. Ông này tuyên bố hùng hồn rằng: “Tình trạng sức khỏe có vấn đề của Hillary Clinton là một vấn đề lớn của chiến dịch năm 2016”. Nhưng thực sự vấn đề lớn ở đây là gì khi bức ảnh được chụp vào tháng 2 và những bài báo vào thời gian đó đều đã đăng tin rằng bà bị ngã nhẹ nhưng vẫn tiếp tục tranh cử bình thường.

suc-khoa-cua-ba-hillary-clinton-3.jpg
 Vệ sĩ của bà bị nghi là cầm theo kim tiêm tự động nhưng thực chất đó chỉ là ... đèn pin.

Ngay sau đó, trang Infowars cũng đăng một bức ảnh tương tự của bà Clinton khi bước đi trên cầu thang. Infowars khẳng định chắc nịch rằng người đang đỡ bà không ai khác chính là một bác sĩ và một người trợ lý. Thậm chí họ còn nói rằng người trợ lý của bà đang cầm trong tay một ống tiêm tự động để chuẩn bị tiêm thuốc chống an thần cho bà. Sự kiểm chứng của trang web Snopes cho thấy thực tế đó chỉ đơn giản là một cái đèn pin nhỏ.

Từ ngày 8/8 đến 11/8: Người dẫn chương trình Sean Hannity của kênh Fox News còn lập hẳn một ban thẩm định trên chương trình chat show giờ vàng của mình để phân tích vấn đề sức khỏe của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, ngay chính tại show của mình, ý kiến của ông về sức khỏe của bà Clinton cũng bị chính các chuyên gia ông mời đến bác bỏ. Ông này thậm chí còn dẫn lời trao đổi giữa mình và bác sĩ Lerer, một bác sỹ có tiếng tại Mỹ về tình hình sức khỏe của bà Clinton để làm bằng chứng hạ bệ bà. Nhưng thực tế thì bác sĩ Lerer chưa từng liên hệ với Fox News.

Từ ngày 11/8 đến 14/8: Một số trang báo bao gồm cả CNN và Washington Post vạch trần những tuyên bố của ông Hannity và trang Infowars.

Ngày 15/8: Ứng cử viên Đảng cộng hòa Donald Trump công khai công kích bà Clinton bằng vấn đề sức khỏe khi nói rằng bà “thiếu sức chịu đựng về cả thể chất lẫn tinh thần” để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

suc-khoa-cua-ba-hillary-clinton-1.jpg
 Những hình ảnh được tung lên với nghi vấn bà không thể tự ngồi thẳng mà phải nhờ đến sự hỗ trợ từ gối.

Ngày 16/8: Phe của bà Clinton bắt đầu phản bác chính thức về những tuyên bố của phe đối lập về tình hình sức khỏe của mình. Bà cho rằng đó là âm mưu làm mọi người rối và lo lắng về sức khỏe của bà. Bác sĩ Bardack, bác sĩ riêng của bà Clinton lên tiếng khẳng định một lần nữa: “Nhắc lại những gì tôi đã nói trong tuyên bố trước đây của tôi, Ngoại trưởng Clinton có sức khỏe tuyệt vời và phù hợp để đảm nhiệm vai trò Tổng thống Mỹ”.

Nhưng sau đó chỉ 2 ngày, vào ngày 18/8: Tờ Drudge Report lại tiếp tục trở lại với chủ đề này để công kích bà Clinton với câu chuyện mang tên “Gối cho Hillary”. Bài viết là tập hợp những hình ảnh cho thấy bà Clinton ngồi với rất nhiều gối xung quanh và chúng được cho là để “dựng” bà lên vì sức khỏe bà quá yếu không thể tự ngồi thẳng.

suc-khoa-cua-ba-hillary-clinton-2.jpg
 Trong bài phát biểu tại bang Ohio, bà ho liên tục khiến tin đồn sức khỏe lại quay trở lại.

Sau đó trên MSNBC, trong khi không đưa ra bất kỳ bằng chứng xác thực nào, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, Katrina Pierson tuyên bố thẳng thừng rằng bà Clinton bị dysphasia – chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ.

Scandal email cá nhân mới thực sự là vấn đề mà bà Hillary cần lo lắng

Trước những tin đồn thất thiệt về tình hình sức khỏe không mấy khả quan của mình, bà Clinton đã vướng vào vụ lùm xùm liên quan đến việc sử dụng mail cá nhân để xử lý việc công. Và scandal này mới thực sự là cái mà bà cần phải lo lắng và là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của bà trong suốt quá trình bầu cử.  

Từ tháng 12 năm ngoái, bà đã bắt đầu dính vào những cáo buộc sử dụng địa chỉ thư điện tử cá nhân để giải quyết việc công trong suốt 4 năm giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Bà Clinton đã phải giao 30.000 thư điện tử trong hòm thư cá nhân của bà cho Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi một nhân viên giám sát chính phủ tiết lộ đã phát hiện ít nhất 4 bức thư trong tổng số 40 email của bà Clinton có chứa các thông tin mật, thậm chí được đóng dấu là “tuyệt mật”. Sau đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ tiếp tục phải làm việc với Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI để điều tra sự việc.

Trước những cáo buộc này, bà khẳng định không hề làm điều gì sai trái trong suốt thời gian giữ chức Ngoại trưởng Mỹ (2009-2013). Việc sử dụng email cá nhân được bà giải thích là do “thuận tiện”.

Tuy nhiên, lời giải thích của bà có vẻ không thuyết phục được FBI. Đến nay mới chỉ có 20% email của bà được kiểm duyệt và vẫn chưa có bất kỳ một phán xét cụ thể nào dành cho bà. Nhưng việc này đã “ám ảnh” bà trong suốt chiến dịch tranh cử và nó mới thực sự là bê bôi có tầm ảnh hưởng nhất đến kết quả bầu cử năm nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm