"Mỗi bước đi trên con đường khởi nghiệp phải thật chắc"

Đình Hưng
08/04/2025 - 16:48
"Mỗi bước đi trên con đường khởi nghiệp phải thật chắc"

Ká Tuyền khởi nghiệp với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình

Đó là chia sẻ của Ká Tuyền (32 tuổi, ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai), người điều hành Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài. Bước ra từ cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Đồng Nai, những góp ý từ các chuyên gia đã giúp cô hoàn thiện dự án của mình, từng bước phát triển Tổ hợp tác.

Từ mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống…

"Tà Lài là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa cũng như có môi trường, hệ sinh thái đa dạng. Đặc biệt, đây là địa bàn thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên, khá gần TPHCM nên thuận lợi để làm du lịch cộng đồng", Ká Tuyền (32 tuổi, ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) mở đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Có cha là người Xtiêng, mẹ là người Mạ, bản thân Ká Tuyền luôn đau đáu với việc gìn giữ các nghề truyền thống của dân tộc mình như dệt thổ cẩm, đan lát. Với mong muốn phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, tháng 10/2024, Ká Tuyền thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài, với 10 thành viên, đa số là những người lớn tuổi và phụ nữ có con nhỏ còn gắn bó với nghề truyền thống. Các thành viên trong Tổ hợp tác tham gia dệt thổ cẩm, đan lát các sản phẩm thủ công để bán cho khách du lịch. Ká Tuyền cũng bắt tay vào hoàn thiện khu lưu trú để phục vụ khách du lịch, tích cực kết nối, tổ chức tour với mong muốn du khách đến với Tà Lài có thể lưu trú, trải nghiệm văn hóa địa phương…

“Mỗi bước đi trên con đường khởi nghiệp phải thật chắc”- Ảnh 1.

Ká Tuyền cùng thành viên Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài

Với sự nỗ lực không ngừng của Ká Tuyền cùng với các thành viên Tổ hợp tác, sau thời gian ngắn ra mắt, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài đã được nhiều người biết đến và lựa chọn khi đến Đồng Nai. Số lượng các thành viên tham gia Tổ hợp tác cũng không ngừng tăng lên, đến nay là gần 40 người.

Ká Tuyền (bìa trái) cùng các em nhỏ bên những sản phẩm  của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài

Ká Tuyền (bìa trái) cùng các em nhỏ bên những sản phẩm của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài

Bà Ka'Điều, dân tộc Mạ, ngụ xã Tà Lai, đã từng lo lắng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mai một. Còn nay, người phụ nữ 58 tuổi này rất phấn khởi khi thấy tiếng khung dệt lách cách lại vang lên nhộn nhịp. Khi tham gia Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài, hằng ngày, những người phụ nữ như bà Ka'Điều không còn phải vào rừng mưu sinh mà được gắn bó với khung dệt, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

…đến nỗ lực trên hành trình khởi nghiệp

Ká Tuyền cho hay, để có được những "quả ngọt" nêu trên, cô và các thành viên Tổ hợp tác đã phải trải qua không ít thử thách, trong đó bước ngoặt phải kể đến là việc tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Hội LHPN tỉnh Đồng Nai tổ chức. Thời điểm tham gia cuộc thi này, Tổ hợp tác mới ra mắt được hơn 2 tháng. Dự án "Làng du lịch cộng đồng Tà Lài" của Ká Tuyền được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số tại làng Tà Lài. Nếu khai thác hiệu quả, dự án có thể tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong làng. Tuy nhiên, điểm hạn chế của dự án là khâu truyền thông chưa tốt, lại được triển khai trên địa bàn vùng sâu, vùng xa nên khó tránh khỏi những khó khăn do điều kiện địa lý.

"Thực sự lúc đầu, tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề truyền thông cũng như lập website của Tổ hợp tác. Đến khi tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được các thành viên ban giám khảo, chuyên gia cuộc thi tư vấn, góp ý, tôi mới nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của việc truyền thông đối với dự án của mình. Các chuyên gia đã góp ý, động viên tôi nên đi học thêm về du lịch sinh thái để phát triển dự án của mình", Ká Tuyền nhớ lại.

“Mỗi bước đi trên con đường khởi nghiệp phải thật chắc”- Ảnh 3.

Dự án “Làng du lịch cộng đồng Tà Lài” tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nữ địa phương

Giành được giải Nhì của cuộc thi là một động lực để Ká Tuyền càng thêm quyết tâm phát triển dự án của mình. Tiếp thu những góp ý của các chuyên gia, Ká Tuyền bắt tay ngay vào việc truyền thông dự án của mình trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cô cũng chủ động học hỏi kiến thức, kinh nghiệm về du lịch sinh thái thông qua internet và từ các chuyên gia, người đi trước. "Việc tham gia cuộc thi khởi nghiệp đã mang lại cho tôi nhiều điều. Đặc biệt là việc được tham gia các buổi trao đổi, thảo luận liên quan đến khởi nghiệp. Sau cuộc thi, tôi tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Hội LHPN các cấp. Chính những hỗ trợ thiết thực này đã giúp cho dự án của tôi ngày càng được hoàn thiện, phát triển", Ká Tuyền tâm sự.

"Dù còn nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp của mình nhưng tôi xác định mỗi bước đi phải thật chắc, đi từ thấp đến cao, đạt được mục tiêu này rồi mới đặt ra những mục tiêu cao hơn để thực hiện. Mình không thể đặt ra mục tiêu quá lớn để rồi không thể thực hiện được. Tôi thấy vui khi dự án của mình bước đầu đã định vị được thương hiệu và ngày càng được nhiều người biết đến hơn".

Ká Tuyền, người điều hành Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài

Theo Ká Tuyền, con đường khởi nghiệp không chỉ toàn màu hồng. Khi quyết định khởi nghiệp, bản thân Ká Tuyền nghĩ mọi chuyện không quá phức tạp. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm mới thấy có nhiều vấn đề nảy sinh. Trong đó, phải kể đến vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm… Những điều này đã "ngốn" của cô không ít thời gian cũng như công sức.

Bên cạnh đó, dù các thành viên có thể làm ra nhiều sản phẩm lưu niệm độc đáo nhưng để du khách chịu bỏ tiền ra mua những sản phẩm này lại là vấn đề không đơn giản. "Muốn bán được các mặt hàng thổ cẩm, gùi, rổ rá được làm thủ công, bên cạnh kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt cần có những người kể chuyện, chia sẻ thông tin liên quan đến sản phẩm cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, thì họ mới hiểu và quyết định mua. Hiện nay, trong Tổ chỉ có tôi làm được điều này. Trong khi tôi không thể ở tại điểm bán hàng lưu niệm thường xuyên", Ká Tuyền trăn trở. Vì vậy, một trong những việc cần sớm được triển khai trong thời gian tới của Tổ hợp tác là đào tạo để mỗi thành viên trong Tổ đều là một "hướng dẫn viên" chuyên nghiệp. Khó khăn lớn nhất hiện nay của Tổ hợp tác chính là việc tiếp cận các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển.

Đại diện Hội LHPN tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức cho phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ tham gia quản lý các tổ hợp tác, hợp tác xã. Dự án "Làng du lịch cộng đồng Tà Lài" được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Nắm bắt được nhu cầu cần được hỗ trợ về vốn của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài, Hội đã kết nối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hỗ trợ kịp thời.

Một số kinh nghiệm khởi nghiệp của Ká Tuyền

- Để khởi nghiệp thành công, cần học hỏi liên tục. Đi nhiều, học nhiều sẽ giúp bản thân có thêm kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin để xử lý các vấn đề nảy sinh.

- Trong quá trình khởi nghiệp, đã đặt ra mục tiêu nào thì phải kiên trì thực hiện mục tiêu đó.

- Một ngày có 24 giờ, để làm việc hiệu quả thì phải nỗ lực không ngừng, làm việc một cách khoa học, biết sắp xếp thời gian phù hợp.

- Ngoài nỗ lực của bản thân, sự chia sẻ, đồng hành của người thân, bạn bè, mạng lưới khởi nghiệp là hết sức quan trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm