Mỗi phụ nữ hãy là một tuyên truyền viên về an toàn giao thông

17/05/2019 - 15:00
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, nếu biết phát huy, mỗi phụ nữ đồng thời sẽ là một tuyên truyền viên ATGT. Nếu chị em thực hiện tốt pháp luật về giao thông, trở thành tuyên truyền viên, giám sát viên để các thành viên trong gia đình cùng thực hiện tốt thì tai nạn giao thông sẽ giảm.

Chiếm trên 50% dân số trong cả nước, là những người bà, người mẹ, người chị ở mỗi gia đình nên phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong nâng cao ý thức tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.

 

anh1.jpg
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

 

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, những năm gần đây, tai nạn giao thông có xu hướng giảm. Năm 2018, toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ (giảm trên 1.300 vụ so với năm 2017) làm hơn 8.200 người chết (giảm 35 người) và khoảng 14.800 người bị thương (giảm hơn 2.200 người).

 

Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng hầu hết phương tiện gây tai nạn là do nam giới điều khiển. Theo Bộ Giao thông-Vận tải, tỷ lệ phụ nữ vi phạm pháp luật ATGT chỉ chiếm khoảng 15%. Thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian gần đây là do nam giới sử dụng rượu bia, người sử dụng ma túy điều khiển phương tiện rồi gây tai nạn.

 

Nếu tai nạn xảy ra, phụ nữ và trẻ em là đối tượng luôn phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất, ngay cả khi họ không phải là người bị tai nạn. Nhận thức được tầm quan trọng này, Ủy ban ATGT quốc gia và Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo trật tự ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình” giai đoạn 2017 - 2022. Chương trình phối hợp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT; xây dựng “Văn hóa giao thông” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; giảm số vụ tai nạn giao thông tại các địa phương...

 

Chung tay bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông 

Mặc dù tỷ lệ phụ nữ vi phạm pháp luật ATGT thấp nhưng cũng phải thừa nhận là ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân, trong đó có không ít phụ nữ, còn hạn chế. Không ít người vi phạm các quy định về ATGT, không đội mũ bảo hiểm cho mình và trẻ khi đi xe máy.

 

anh4.jpg
Đội mũ bảo hiểm cho mình và trẻ khi đi trên xe mô tô, gắn máy để đảm bảo an toàn

 

“Mỗi năm cả nước có gần 2.000 trẻ tử vong do tai nạn giao thông, không ít trong số này không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng mô tô, xe máy. Trong khi đó, theo quy định, trẻ từ 6 tuổi trở lên khi tham gia thông bằng mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm”, ông Khuất Việt Hùng cho biết.

 

Theo ông Hùng, đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông và thương vong do tai nạn giao thông những năm gần đây không giảm. Vì thế năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã quyết định chọn là “Năm ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về ATGT, tai nạn giao thông, từ đó tạo sức lan tỏa đến từng người thân và cộng đồng, để vấn nạn giao thông phải được ý thức đến tế bào nhỏ của xã hội.

 

Nếu cha mẹ cho rằng, việc đội mũ bảo hiểm là đương nhiên phải thực hiện, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của trẻ em, giống như không được sờ tay vào điện. Còn nếu cha mẹ thấy rằng, việc đội mũ bảo hiểm là đối phó thì tâm lý sẽ truyền lại cho trẻ. Vì thế hơn ai hết, người lớn, đặc biệt là phụ nữ, hãy quan tâm đến mình và các thành viên trong gia đình hơn nữa trong việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Chị em hãy chấp hành các quy định về an toàn giao thông, không uống rượu bia khi lái xe... và đề nghị các thành viên trong gia đình thực hiện tốt điều này; đội mũ bảo hiểm cho mình và trẻ khi lưu thông bàng mô tô, xe máy. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm