pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mối quan hệ “gap year”: Khi tình yêu được nghỉ ngơi
Ảnh minh họa
Trong khi Viva ở Manila cùng gia đình, John về thăm nhà ở Ireland, đi công tác và lên kế hoạch đi nghỉ ở Đan Mạch. Nhiều người cho rằng, xa nhau quá lâu sẽ là hồi chuông báo tử cho một mối quan hệ nhưng với Viva và John, nó giúp hồi sinh cuộc hôn nhân của họ. Viva nói: "Chúng tôi giữ liên lạc hằng ngày qua WhatsApp, Facebook và e-mail. Nó giống như quay lại thời điểm bắt đầu mối quan hệ của cả hai vậy". Viva không phải là người duy nhất muốn hôn nhân được "nghỉ ngơi", ít nhất là tạm thời.
Theo các chuyên gia, việc các cặp đôi sống xa nhau không đồng nghĩa họ muốn kết thúc hôn nhân. Thay vào đó, một số đang chọn "gap year" để có không gian khám phá những sở thích, trải nghiệm du lịch.
Ủng hộ nhau theo đuổi đam mê
Theo Marisa Cohen, chuyên gia về mối quan hệ kiêm giáo sư tâm lý tại ứng dụng hẹn hò Hily, các cặp đôi chọn mối quan hệ "gap year" vì cơ hội việc làm mới, mong muốn sống ở một nơi xa mà họ ao ước hoặc theo đuổi sở thích cá nhân. Theo cô, mọi người có thể muốn có "một khoảng dừng" khi trải qua quá trình chuyển đổi, chẳng hạn như thay đổi công việc hoặc tổ ấm trống rỗng khi con cái ở riêng hoặc đi học xa.
Marc và Sam, đôi vợ chồng mới cưới ở London (Anh), quyết định xa nhau một thời gian sau tuần trăng mật. Marc muốn theo đuổi niềm đam mê sinh vật biển nên đã đến một đài nghiên cứu cá mập ở Bahamas trong khi Sam đến Ấn Độ vì muốn trở thành huấn luyện viên yoga. Marc nói: "Chúng tôi nghĩ rằng đó có lẽ sẽ là cơ hội cuối cùng để chúng tôi làm điều đó một mình. Nó cho chúng tôi thời gian để thực sự nghĩ về nhau và suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc hôn nhân này".
Cặp đôi đã quay về bên nhau và vẫn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Marc cho rằng thời gian xa nhau đã củng cố mối quan hệ khi cả hai có thể thực hiện những điều bản thân mong muốn. Họ không có suy nghĩ "nếu như" cho cuộc hôn nhân của mình và tự tin rằng vẫn có thể quay về bên nhau sau khoảng thời gian xa cách. Marc nói: "Hôn nhân không phải là từ bỏ đam mê mà là tìm một người có thể ủng hộ bạn và bạn cũng ủng hộ họ theo đuổi những đam mê đó".
Sự trổi dậy của chủ nghĩa cá nhân
Nghiên cứu cho thấy, chủ nghĩa cá nhân đã gia tăng trên toàn cầu ít nhất là từ những năm 1960. Người theo chủ nghĩa cá nhân có xu hướng xem trọng tình bạn hơn gia đình và cho rằng ưu tiên cho bản thân là quan trọng. Những đặc điểm này có thể khiến ý tưởng tạm rời bỏ một mối quan hệ để tập trung vào các mục tiêu, tham vọng hoặc sở thích cá nhân trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, những cấu trúc truyền thống về các mối quan hệ lâu dài hoặc hôn nhân, nơi luôn tồn tại việc thỏa hiệp và hy sinh, có thể trở nên kém hấp dẫn hơn đối với một số người. Thực tế, nhiều người đang hướng đến các mối quan hệ có tính linh hoạt cao cũng như tiếp cận định nghĩa rộng hơn về một cuộc hôn nhân hoặc mối quan hệ viên mãn.
Dữ liệu cho thấy, thế hệ Y (sinh từ năm 1981 đến 1995) ở Mỹ có tỷ lệ ly hôn ngày càng giảm. Một số chuyên gia suy đoán rằng, việc khoan dung trong vấn đề tình cảm, bao gồm cả những cặp đôi có thời gian sống xa cách, thực sự có thể giữ họ lại bên nhau. Thay vì rời bỏ mối quan hệ khi không hạnh phúc hoặc thỏa mãn, họ điều chỉnh để phù hợp với "nửa kia".
Đổ vỡ hay yêu thương nhau hơn?
Trong trường hợp của Viva và Marc, xa nhau khiến mối quan hệ của họ thêm khăng khít. Nhưng với một số người, điều này có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Tom Murray, nhà trị liệu tình cảm kiêm giáo sư tại trường Đại học Adler (Mỹ), tin rằng đối với một số cặp vợ chồng, "gap year" có thể báo hiệu những vấn đề đáng quan ngại hơn. Ông cho rằng những lý do phổ biến nhất mà các cặp đôi chọn xa nhau là vì buồn chán, ham muốn khám phá tình dục và suy nghĩ có thể tìm thấy niềm vui khác ngoài kia. Nếu cả hai không cùng quan điểm về ý định tạm thời xa nhau thì mối quan hệ có thể nhanh chóng tan vỡ.