pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mối quan hệ giữa đau khớp và Covid-19
Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại cùng thời điểm với các bệnh cúm mùa và các bệnh hô hấp khác có liên quan tới chuyển mùa và thay đổi thời tiết. Đặc trưng của Covid-19 được biết đến với các triệu chứng hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi... nhưng bên cạnh đó, Covid-19 cũng có thể dẫn tới đau khớp cấp tính hoặc mãn tính.
1. Đau khớp có phải triệu chứng Covid-19 không?
Theo một nghiên cứu năm 2021 thì đau khớp là một trong những triệu chứng của Covid-19 với tỷ lệ khoảng 15% người mắc bệnh cho biết họ gặp phải tình trạng này. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên số liệu các nhà nghiên cứu thu thập được từ 11.096 tình nguyện viên.
Một báo cáo khác đăng tải trên Tạp chí Journal of Pain Research cho biết đau khớp có thể phổ biến hơn ở nhóm mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn - và điều này không giống như các triệu chứng đau khác như đau cơ. Đau khớp đôi khi phát triển vài ngày trước hoặc sau khi cơn sốt khởi phát.
Việc sử dụng corticosteroid trong điều trị Covid-19 ở bệnh nhân nặng nếu buộc phải kéo dài cũng có thể góp phần gây ra các tác dụng phụ lên xương bao gồm gây yếu cơ.
Và mặc dù các nhà khoa học không chắc chắn về mối liên hệ giữa đau khớp và triệu chứng Covid-19 nhưng có một số bằng chứng đã cho thấy ở một số bệnh nhân thì viêm khớp có thể xảy ra. Tuy nhiên đây không phải là một triệu chứng nổi bật như các vấn đề hô hấp hay tiêu hóa do SARS-CoV-2 gây ra ở thời điểm hiện tại.
Điều trị
Một nghiên cứu năm 2020 đã báo cáo rằng, Covid-19 có thể gây đau khớp thông qua cơ chế gây viêm đặc trưng và không có hướng dẫn nào cụ thể cho việc điều trị đau khớp do Covid-19. Tuy nhiên các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay paracetamol có thể hữu ích.
2. Đau khớp có phải là triệu chứng của Covid kéo dài không?
Một số trường hợp đã báo cáo về việc họ gặp phải các biểu hiện hay các triệu chứng tiếp tục kéo dài ngay cả khi khỏi Covid-19. Hội chứng này được gọi là Covid kéo dài. Theo NHS thì các triệu chứng phổ biến của Covid kéo dài bao gồm:
- Mệt mỏi
- Thở hụt hơi
- Mất khứu giác, vị giác
- Đau cơ.
Như vậy có thể thấy đau khớp có thể là một triệu chứng của Covid kéo dài. Một nghiên cứu cho thấy, 27% bệnh nhân hậu Covid cho biết họ gặp phải tình trạng đau khớp kéo dài với các vị trí đau phổ biến là khớp đầu gối, khớp vai và khớp cột sống.
Cơ chế gây ra
Các nhà khoa học vẫn chưa kết luận chắn chắc về cơ chế khiến đau khớp xảy ra ở người bị Covid kéo dài. Giả thiết đặt ra là do virus SARS-COV-2 xâm nhập cơ thể và gây viêm (cytokine tiền viêm) dẫn tới tổn thương sợi cơ và gây ra đau khớp.
Điều trị
Cả steroid đường uống và đường tiêm đều có thể giúp mọi người kiểm soát triệu chứng Covid kéo dài này hoặc một số loại thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên để chắc chắn là đau khớp do Covid kéo dài thì bạn nên thăm khám bác sĩ trước và nhận đơn từ bác sĩ thay vì tự mua thuốc điều trị, nhất là với cơn đau mãn tính.
NHS cũng khuyên rằng, một số hoạt động thể chất có thể giúp giảm nhẹ đau khớp tại nhà bao gồm: yoga, giãn cơ, leo cầu thang, đạp xe, làm vườn, đi bộ leo dốc.. Trong trường hợp bị đau khi đang tập luyện, bạn nên ngừng lại và thử lại sau.
Ngoài ra thì chườm nóng hoặc chườm đá lên các vùng khớp bị đau trong thời gian ngắn (thông qua lớp khăn mỏng tránh bỏng lạnh/nóng) một vài lần/ngày hoặc ngâm mình trong bồn tắm nước ấm cũng giúp giảm đau hiệu quả.
Trong trường hợp cần thiết ngoài thuốc điều trị bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện vật lý trị liệu để tăng cường các cơ quanh khớp và cải thiện khả năng hoạt động của vùng khớp này. Các vật lý trị liệu phổ biến cho đau khớp như siêu âm, liệu pháp nhiệt hay kích thích điện học.
3. Nguyên nhân khác nào có thể gây cơn đau khớp?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn đau khớp bao gồm các chấn thương bệnh lý có sẵn từ trước, có thể là:
- Bong gân
- Bệnh gout
- Viêm khớp dạng thấp
- Thoái hóa khớp
- Nhiễm trùng khớp
- Viêm bao hoạt dịch.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Nếu cơn đau khớp ảnh hưởng tới khả năng thực hiện các công việc bình thường hàng ngày thì bạn nên thăm khám bác sĩ sớm hoặc có các triệu chứng của Covid-19 đi kèm như ho, thở hụt hơi, sốt, đau họng và buồn nôn.
Ngoài ra thì với người đang có hệ miễn dịch suy yếu/tổn thương, người cao tuổi thì cần liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt khi phát hiện các triệu chứng Covid-19 tránh gia tăng nguy cơ nhập viện và nằm ICU.