Món bún vừa bịt mũi vừa ăn nhưng lại "gây nghiện" ở Gia Lai

H.M
26/05/2022 - 10:00
Món bún vừa bịt mũi vừa ăn nhưng lại "gây nghiện" ở Gia Lai
Đây là một đặc sản thách thức độ gan dạ của các thực khách khi lần đầu nếm thử món ăn này.

Nếu có dịp du lịch Gia Lai và tình cờ ngửi thấy một mùi khó chịu khi đi ngang qua một quán ăn, bạn sẽ phải dừng lại để xem mùi hương đó đến từ đâu và nó là gì. Món đặc sản Gia Lai tỏa ra một mùi hương khiến thực khách “chạy xa” đó không gì khác chính là món bún cua thối.

Bước vào một quán bún cua thối, bạn sẽ phải nhăn mặt khi thấy những nồi nước lèo đen sánh nổi đặc một lớp gạch cua, bốc khói nghi ngút tỏa ra mùi hương nồng nồng “đặc trưng”. Điều gì khiến cho món ăn “bốc mùi” này trở thành một món mà bạn nhất định sẽ phải nếm thử khi du lịch Tây Nguyên?

Bún cua thối (hay bún mắm cua) là một món ăn có nguồn gốc từ người Bình Định di cư đến vùng đất này. Tuy nhiên khi ở Gia Lai thì món bún cua thối mới trở nên nổi tiếng và trở thành một nét đặc trưng, độc đáo.

Món bún này có mùi hương độc lạ như vậy là do quá trình ủ cho nước cua lên men chua. Cua đồng khi mua về được rửa sạch, nhúng qua nước sôi cho ngất đi (không để chết) để cua không kẹp vào tay, người làm dễ dàng lột bỏ mai. Phần thịt được lọc ra được đem xay nhuyễn và ủ từ 1-2 ngày đến khi dậy mùi thì mới được mang ra nấu.

Những nồi nước gạch cua sẽ được nêm nếm sao cho hơi cay và mặn hơn bình thường nhằm giảm độ tanh. Nước cua khi đã lên men được nấu cùng thịt ba chỉ đã xào cho săn lại cùng một nguyên liệu đặc biệt nữa là măng tre thái mỏng. Mắm cua càng đun lâu sẽ càng đậm vị và dậy mùi hơn.

Bởi cách chế biến đặc biệt như thế nên bún cua thối có mùi nặng đến mức dù cách tiệm vài nhà nữa mới đến nơi bạn cũng dễ dàng ngửi thấy. Đây cũng là một món ăn thách thức nhất khi du khách đến với vùng đất này, nếu không hợp bạn sẽ phải bỏ đi cả bát bún, nhưng nếu may mắn, có thể bạn sẽ đâm ra nghiện cái mùi khó ngửi nhưng hương vị đậm đà của món ăn này.

Chính vì kén người ăn như vậy nên với những người mới ăn lần đầu, mỗi chiếc tô đựng được sử dụng là loại tô nhỏ, chỉ to bằng một vốc tay. Nước mắm cua dùng với lượng rất ít (như lượng nước dùng cho mì quảng).

Khi được bưng ra, một tô bún cua thối đơn giản chỉ là một nắm bún nhỏ, ít măng, chan xâm xấp nước dùng cua, rồi thêm tóp mỡ hành phi, da heo khô. Dọn kèm bún sẽ là rau sống và trứng vịt om trong nồi nước dùng nếu bạn có nhu cầu. Ngoài ra chủ tiệm cũng thường dọn thêm chả ram, chả, nem chua để thực khách có thể ăn thêm. Khi ăn bún cua thối cần nêm ớt, chanh rồi trộn rau sống thưởng thức. Nếu ăn kèm nhiều rau sống thấy nhạt, bạn có thể thêm mắm nêm luôn để sẵn trên bàn.

Bún cua thối có mùi rất nặng, đặc biệt khi ngửi ở gần. Thậm chí khi ăn xong, mùi cua vẫn còn lưu lại trong khoang miệng. Thế nên bún cua thối chính là món ăn gây nhiều tranh cãi, người không chịu được mùi sẽ khó mà ăn được. Nhưng nếu ăn được, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, cay cay rất riêng. Thậm chí chính thứ nước dùng nặng mùi, đậm đà đó đã gây nghiện cho nhiều người.

Nhiều người cho rằng nên thưởng thức bún cua thối vào mùa mưa. Lý do là bởi khi đó thịt cua sẽ chắc và dậy mùi hơn. Thêm nữa cũng vì mùa mưa ở Gia Lai kéo dài nên mỗi chiều trời chuyển lạnh, thưởng thức tô bún đậm đà, cay nồng đã trở thành thói quen của rất nhiều người dân Gia Lai yêu thích hương vị đặc biệt của bún mắm cua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm