Tôi vẫn nhớ như in, cậu em họ ngồi gỡ từng miếng cá, ăn cũng rất dè dặt có lẽ vì sợ cá vẫn còn xương và cậu lo sẽ bị hóc. Vì muốn con ăn nhiều cá nên bữa ăn nào trên mâm có món cá, cô tôi cũng cẩn thận gỡ từng miếng, đặt vào chiếc đĩa nhỏ cho con trai và không quên dặn dò: “Con ăn cẩn thận, thấy xương thì bỏ ra nhé!”…
Cậu bé hồi nào giờ đã gần 30 tuổi, mỗi lần ăn cá vẫn có thói quen chờ mẹ gỡ giúp. Có lẽ vì muốn con trai thoải mái ăn cá và không quá lệ thuộc vào mẹ nên cô tôi rất hay làm món chả cá. Món chả cá của cô “thần thánh” đến độ, cậu con trai u30 gắp liên tục hết miếng này đến miếng khác, ăn như thể sợ… mất phần- không phải dè dặt ăn vì sợ sẽ hóc xương… Hình ảnh cậu em khiến tôi mỗi lần nhớ đến lại không nhịn nổi cười.
Loại cá được cô tôi chọn để làm chả cá cũng khá đa dạng, khi thì cá thu, lúc cá rô, và cũng có khi là cá ngần, thân trong veo… Ngoài ra không thể thiếu chút thịt xay, hành lá, thì là, hành khô, nước mắm, hạt nêm, bột canh, tiêu…
Cá sau khi được sơ chế sạch, dùng dao lọc bỏ phần xương, lấy phần thịt cá cho vào tô. Cho thịt xay vào trộn cùng cá và gia vị gồm nước mắm, đường hạt nêm, ướp trong 15-20 phút cho ngấm. Hành lá, thì là rửa sạch, ráo nước thái nhỏ; hành khô băm nhỏ.
Cho cá, thịt đã ướp vào máy xay, thêm hành khô, dầu ăn rồi xay nhuyễn, sau đó cho hành lá, thì là vào xay thêm vài vòng. Dùng thìa múc hỗn hợp cá vừa xay nhuyễn nặn thành hình tròn, đặt vào nồi hấp. Nếu muốn nhanh, có thể cho tất cả nguyên liệu vào làm thành một miếng chả to. Hấp đến khi chả chín thì lấy ra để nguội.
Đến khi gần ăn, chờ dầu nóng già trong chảo thì thả miếng chả cá hấp vào chiên tới khi hai mặt chín vàng, thơm lừng là được. Nếu là miếng chả to thì khi ăn sẽ phải thái thành miếng vừa ăn.
Công thức chung là vậy nhưng cô tôi còn có tài nêm gia vị để mỗi mẻ chả cá có thể có một vị khác nhau. Đó có thể là thay vì cho hành lá, thì là, cô cho chút ớt thái lát phơi khô, lá cây chanh vàng thái sợi…
Mỗi lần làm, tiện công, cô thường làm cả cân cá, thậm chí hơn để có thể chia sẻ cho các nhà cùng ăn. Chả cá có thể rán giòn chấm nước chấm chua ngọt hoặc mắm ớt (tùy theo khẩu vị của mỗi người) ăn ngay, hoặc cũng có thể là món ăn kèm bún cá, bún riêu, bún ốc cũng rất tuyệt.
Đặc biệt, mỗi lần làm chả cá, cô thường giữ lại xương cá để ninh lấy nước dùng nấu canh, làm bún cá hoặc cháo cá. Cả nhà tôi đều nghiện món chả cá cô tôi làm vì không “độn” thêm bột mà nguyên liệu chủ yếu vẫn là cá, chỉ thêm chút thịt gọi là.
Cô tôi vốn rất khéo tay nhưng trong các món ăn cô tôi làm thì chả cá có lẽ là món tủ khiến cô say mê chế biến mà chưa bao giờ thấy chán. Đúng là vì con, người mẹ có thể sáng tạo không ngừng và cũng nhờ có tình thương yêu ấy mà tôi được “ăn ké” món chả cá "thần thánh" ngon tuyệt vời...