pnvnonline@phunuvietnam.vn
Món ngon từ củ mài: Dễ chế biến, có tác dụng dưỡng nhan
Củ mài không chỉ được sử dụng làm dược liệu mà còn là một thực phẩm bổ dưỡng. Chúng có tác dụng quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa, bồi bồ cơ thể, dưỡng phổi, tăng khả năng miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Tại sao nên ăn củ mài?
Có tác dụng bổ tỳ ích vị: Củ mài rất giàu chất nhầy và tinh bột, có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu ở đường tiêu hóa, đối với người bị khó chịu đường tiêu hóa và tỳ hư có tác dụng điều hòa rất tốt.
Dưỡng nhan và làm đẹp: Củ mài chứa một lượng lớn chất nhầy, tinh bột, protein, axit amin và vitamin tổng hợp. Những thành phần này có thể làm ẩm và dưỡng da, trì hoãn lão hóa rất hiệu quả.
Hạ đường huyết: Củ mài chứa polysaccharid và chất xơ, có thể hạ đường huyết và giúp ổn định lượng đường trong máu, có tác dụng phụ trợ điều trị rất tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Dưỡng gan và bảo vệ gan: Củ mài rất giàu các nguyên tố vi lượng và glycoside thực vật. Những thành phần này có tác dụng bảo vệ gan rất mạnh, có thể làm giảm sự hấp thụ và bài tiết các chất có hại của gan, có lợi cho quá trình giải độc và thanh lọc cơ thể.
Kết cấu của của mài mịn và ngọt như phần vỏ khoai dễ gây ngứa và dị ứng da. Bởi vậy, khi gọt vỏ, nên dùng găng tay, đồng thời rửa củ mài sạch sẽ. Khi rửa củ mài có thể cho chút giấm vào nước để loại bỏ bớt nhớt. Củ mài sau khi cắt lát nên cho vào chậu nước pha nước mỗi loãng để tránh bị oxy hóa, thâm đen.
Món ăn đơn giản nhất từ củ khoai mài chính là luộc, chấm đường hoặc mật. Cách làm này đơn giản giống các loại củ khác như khoai lang luộc, củ từ luộc, khoai tây luộc. Ngoài ra, củ mài mang chế biến các món khác ăn cũng rất ngon miệng.
Gợi ý món ngon từ củ mài
1. Bánh củ mài nho khô
Nguyên liệu cần thiết gồm 300g củ mài, nho khô - 30g, 3 quả trứng gà, bột mì - 50g, một ít vừng đen và 15g đường.
Gọt vỏ củ mài, loại bỏ nhớt và cắt thành từng miếng nhỏ. Cho vào xửng hấp chín. Dầm nhuyễn củ mài trộn cùng trứng gà, bột mì, đường thành khối bột nhão.
Lót một lớp giấy nến dưới đáy khuôn. Cho phần bột lên, miết phẳng bề mặt. Rắc nho khô và vừng đen lên trên. Tiếp đó cho vào xửng hấp khoảng 15-20 phút là được. Khi bánh củ mài nho khô chín, lấy ra cắt miếng vừa ăn.
2. Củ mài hấp mật ong
Nguyên liệu cần thiết gồm 300g củ mài, một ít đường phèn, kỷ tử 8g, hoa mộc thơm, mật ong 2 thìa.
Trước tiên, gọt bỏ phần vỏ củ mài. Chúng có thể ngứa nên hãy đeo găng tay để tránh dị ứng. Rửa sạch cùng nước muối loãng. Cắt xéo từng miếng chừng 5mm là được.
Độ dày như vậy vừa phải giúp củ mài nhanh chín đồng thời trình bày cũng được đẹp mắt hơn. Chuẩn bị bát nước lạnh, sau khi cắt củ mài nên thả vào nước để tránh bị thâm màu.
Cho củ mài đã cắt vào nước luộc khoảng 8 phút là củ mài chín. Sau đó, vớt ra bỏ vào nước lạnh. Phần nước này đã đun sôi để nguội. Tiếp đó vớt củ mài ra để ráo nước. Xếp củ mài vài đĩa thành hình bông hoa.
Cho ít đường phèn cùng nước vào nồi nhỏ. Đun tan đường thì cho kỷ tử vào. Đun khoảng 30 giây thì tắt bếp.
Rưới phần nước đường phèn kỷ tử này lên đĩa củ mài. Rắc hoa mộc lên bề mặt, rưới thêm mật ong. Nếu bạn đã có hũ mật ong ngâm hoa mộc thì chỉ cần múc 1 thìa rưới nhẹ lên trên. Lưu ý phần đường phèn cho rất ít để tránh tình trạng ngọt quá. Phần hoa mộc bạn cũng có thẻ không sử dụng nếu không thích.
Ngoài hai món ngon trên, củ mài có thể mang hầm xương, xào nhanh với rau củ cũng rất ngon. Có dịp bạn hãy trổ tài món ngon từ củ mài cho gia đình cùng thưởng thức nhé.