Bước vào quầy đồ dùng mẹ và bé, cô nhân viên đon đảo chào Mai: “Chị mua đồ cho bé trai hay bé gái? Đây là bé thứ mấy của chị ạ? Trông chị thế này thì chắc là có kinh nghiệm mua đồ cho bé rồi đây!”. Trước câu hỏi của nhân viên, Mai ngượng ngùng không nói nên lời. Phải, ít ai ngờ rằng, ở tuổi này rồi, Mai mới làm mẹ lần đầu.
Cô lúng túng chưa biết nên chọn đồ cho bé thế nào: Sẽ mua tã giấy hay bỉm? Bình sữa thì nên chọn loại nào? Băng rốn là gì và tưa lưỡi là cái nào? Mai cầm trên tay tờ danh sách những thứ cần mua trước khi sinh do người bạn thân liệt kê giúp cô mà vô cùng bỡ ngỡ.
Cặp đôi Chung - Mai vinh dự trở thành cô dâu - chú rể sớm nhất của lớp chúng tôi ngày ấy. Đám cưới được tổ chức sau lễ ra trường một năm. Sau đám cưới, Chung - Mai được bố mẹ chồng tạo điều kiện cho sang “trời Tây” du học. Nhưng biến cố lớn trong gia đình ập đến ngay sau khi vợ chồng cô vừa nhập học bên Úc. Vợ chồng Mai bảo nhau, thay vì dùng tiền gia đình phải chạy vạy đủ kiểu để gửi sang, họ sẽ tự lập nơi đất khách quê người để tiếp tục học hành. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền sinh hoạt, vợ chồng Mai dự định sẽ hoãn lại việc có con.
Trở về nước với 2 tấm bằng thạc sĩ, công việc ổn định ở những tập đoàn nước ngoài lớn, vợ chồng Mai không còn việc gì đắn đo nữa ngoài việc sinh em bé. Nhưng Mai cứ chờ mãi, chờ mãi, tháng này rồi tháng khác mà không thấy tin vui. Mai lấy hết can đảm để rủ Chung cùng đến bệnh viện.
Kết quả khiến cả hai đều sốc: Mai bị đa nang buồng trứng còn Chung bị tinh trùng cụt đuôi. Bác sĩ nói, chỉ vợ hoặc chồng gặp vấn đề thôi cũng là khó khăn trong việc có con rồi. Trường hợp cả hai vợ chồng đều gặp phải vấn đề như Chung - Mai thì việc có con càng phức tạp hơn.
Đám bạn đại học của hai vợ chồng lần lượt kết hôn rồi sinh con. Mỗi lần nhận được tin bạn sinh con, Mai lại trào nước mắt, vừa mừng cho bạn, vừa tủi cho mình.
Vợ chồng Mai hễ nghe ai mách bác sĩ nào chuyên môn tốt, mát tay, đều tìm đến chữa trị. Chữa ngoài Bắc chưa thấy kết quả, họ lại đưa nhau vào TP.HCM thuê nhà ở để tiếp tục chữa. Mệt mỏi quá, nhiều lúc Mai chỉ biết gục mặt vào gối khóc cho vơi bớt những nhọc nhằn, khổ tâm.
Tròn 10 năm chữa trị, một buổi sáng đẹp trời, Mai nghe bác sĩ thông báo: “Vợ chồng ăn mừng nhé, có tin vui rồi, thai đã được 8 tuần”. Sau bao lần tủi hờn vì thất bại, sự thất bại dường như đã nghe nhiều thành quen, đến nỗi khi hay tin mình có thai, Mai không tin nổi vào tai mình. Cô quay sang hỏi Chung: “Em có nghe nhầm không anh, em có thai thật ư?”. Chung thương vợ đến nghẹn ngào. Người phụ nữ ấy đã cùng anh vượt qua bao khó khăn suốt 10 năm trời để rồi ngày đón nhận tin mừng, cô vẫn nửa tỉnh, nửa mơ, đến tội nghiệp.
Thế là hằng ngày, sau giờ tan sở, dù mưa hay nắng, thể nào Chung cũng xách về nhà quả dừa cho vợ. Cứ cuối tuần, Chung lại tự tay vào bếp nấu ăn cho vợ, khi thì cua hấp, lúc là cháo cá, chim bồ câu hầm... Mẹ và chị gái Chung cũng phải bật cười: “Cái thằng, xưa nay chỉ có chuyện người khác chăm nó, nó có biết chăm ai bao giờ đâu, vậy mà...”. Cảm giác chờ đợi “thiên thần” nhỏ bé chào đời có lẽ là những cảm giác mà Mai chẳng bao giờ quên được.
Ngay khi biết trong người mình đang có một sinh linh nhỏ bé, Mai bắt đầu viết nhật ký. Cuốn nhật ký có tên gọi: “Món quà dành tặng con gái”. Cuốn nhật ký là tất cả cảm xúc, những câu chuyện mà Mai đã trải qua để có được con gái bé nhỏ. Mai dự định, đây sẽ là món quà cô dành tặng con ngay khi con vừa biết đọc.
Trong cuốn nhật ký của mình, Mai viết: “Con gái thân yêu, tạo hóa đã sinh ra chúng ta, những người phụ nữ, với thiên chức là duy trì giống nòi. Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau khi mà thiên chức của mình chưa thành hiện thực, và mẹ đã trải qua những tháng ngày đau đớn ấy, cho đến khi con xuất hiện...”.