Môn Thể dục làm khổ nhiều nữ sinh

23/12/2016 - 12:40
HLV Nguyễn Đình Minh (Đội tuyển Quốc gia điền kinh) cho rằng: 'Nhìn vào cách phân chia thời gian, khối lượng luyện tập, tôi cảm nhận ngành giáo dục chưa quan tâm đến môn thể dục. Đây là một chương trình làm cho có chứ không có giá trị về mặt thể thao'.

Dù đã tốt nghiệp THPT 2 năm nay, song mỗi lần nhớ lại, Hoàng Lan Anh (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn lắc đầu “sợ hãi”. Môn Thể dục là nỗi ám ảnh với nữ sinh nhỏ bé, cao chưa tới 1,5m và cân nặng chỉ 40kg này. Bản thân Lan Anh không thể chơi tốt các môn thể dục như nhảy cao, bóng rổ, bật xa…

“Bạn nào không “trả bài” được cho thầy là kiểu gì cũng nhận các kiểu “phần thưởng” mà thầy mình hay nghĩ ra như nhảy ếch, chạy quanh sân vài vòng hay hít đất cả chục cái. Nghĩ lại vẫn thấy khổ sở, may mà được thầy thương tình cho “qua”, nếu không chắc giờ này còn chưa tốt nghiệp nổi!” - Lan Anh nhớ lại.

Đỗ Việt Hà, cựu học sinh một trường THPT tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội, cũng ngán ngẩm nhớ lại ngày tháng “thương đau”. “Hồi đó sợ nhất môn đá cầu. Chân tay lóng ngóng tập mãi không xong, mà thầy bắt đá trúng 10 quả mới đạt. Nhảy xà thì lúc nào cũng rớt xà vì chiều cao khiêm tốn. Cứ đến giờ thể dục là tim đập chân run vì sợ” - Hà kể.

Hà còn cho biết, học thể dục toàn vào khung giờ oái oăm. Khi thì sáng sớm rét run, lúc lại học vào giữa trưa nắng nóng, ngay sau giờ ăn trưa. Hôm nào mà có giờ thể dục đầu buổi chiều là trưa hoặc nhịn ăn hoặc không được ăn no, nếu không muốn thở không nổi!

hn-tieu-hoc-trung-tu-018.jpg
Ảnh minh họa: D.H

Rõ ràng, môn Thể dục ở trường THPT vẫn có quá nhiều bất cập khi nhiều học sinh sức khỏe hạn chế phải “chịu trận”. Môn học này vẫn nằm trong cơ cấu tổng thể môn học bắt buộc, có điểm như bình thường nên nhiều em dù điểm các môn văn hóa giỏi, mà thể dục chưa đạt đồng nghĩa với việc kết quả chung sẽ bị kéo xuống.

Điều này được ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), nhấn mạnh, cá nhân ông cũng rất bức xúc trước tình trạng dạy thể dục trong nhà trường hiện nay. “Tôi nhiều lần đề xuất lãnh đạo bộ về việc phải giáo dục thể chất theo hình thức các câu lạc bộ (CLB) để học sinh có quyền lựa chọn, thay vì là môn học kiến thức bắt buộc”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình khi cho rằng, không nhất thiết đưa thể dục vào chính khóa. Môn học này làm khổ học sinh nhiều hơn là giúp các em khỏe. Nên tùy vào sở thích, thể trạng của học sinh để cho các em tham gia các CLB trong trường một cách tự do.

Anh Vũ Ngọc Hải, phụ huynh có con học ở quận Ba Đình, Hà Nội, đóng góp ý kiến khá hay khi cho rằng, thay vì dạy các em học các môn bắt buộc và quá nhiều môn, nhà trường nên xem đây là giờ học kỹ năng sống. Các học sinh nữ thường dễ bị trêu ghẹo, sàm sỡ... Tại sao không dạy các em cách tự vệ, hoặc một vài môn võ thuật? Hoặc dạy các em cách hành động khi có động đất, chập cháy… rất thiết thực mà trẻ vẫn được vận động!


"Nhìn vào cách phân chia thời gian, khối lượng luyện tập, tôi cảm nhận ngành giáo dục chưa thật sự quan tâm đến môn thể dục. Nói thẳng ra, đây là một chương trình làm cho có chứ không có giá trị về mặt thể thao. Một kỹ thuật trong thể thao chỉ có thể được hình thành khi được lặp lại ít nhất vài trăm lần. Theo như chương trình thể dục bậc phổ thông, với điều kiện sĩ số, thời gian phân bố, trong một buổi học, học sinh chỉ tập được vài lần cho mỗi động tác. Sau đó nghỉ đến 1 tuần sau mới quay lại. Như vậy, mọi thứ sẽ trở về con số 0".

HLV Nguyễn Đình Minh (Đội tuyển Quốc gia điền kinh)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm