Giá mềm, màu sắc hấp dẫn
Tôm hùm đất đang là món ăn được nhiều người lựa chọn tại các nhà hàng hoặc mua về chế biến tại gia đình. So với các loại tôm đang được bán trên thị trường, giá tôm hùm đất ‘mềm hơn’, dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/kg tuỳ theo số lượng và chất lượng của tôm.
1 kg tôm hùm đất được khoảng từ 30 đến 35 con, có thể chế biến thành nhiều món ăn như hấp lá chanh, nấu lẩu… giá lại rẻ hơn nhiều loại hải sản khác nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Chị Minh Trang, kinh doanh hải sản tại Yên Phụ, Hà Nội cho biết: Tôm hùm đất, còn có tên gọi khác là tôm càng đỏ, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tôm có thân màu đất, 2 càng to, màu đỏ, có thể bảo quản tươi sống lên tới 10 ngày mà tôm sống khỏe, không bị chết. Khi chế biến, tôm có màu rất hấp dẫn, nên đang được bán nhiều trên thị trường, đặc biệt là các shop online và các nhà hàng hải sản tại các thành phố lớn.
Loại thực phẩm cần kiểm soát đặc biệt
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, loài tôm này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm hùm này tại Việt Nam.
Theo đó, tôm hùm đất (tôm càng đỏ) là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.
Loài tôm này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng vừa ban hành Công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Hải Quan; Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm; cần tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm đất với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này ra môi trường tự nhiên.