Những đợt gió lạnh đầu tiên bắt đầu ùa về, cũng là lúc những khu chợ miền Bắc bắt đầu bán sắn. Qua bàn tay khéo léo của mẹ, loại củ dân giã, giá rẻ được biến hóa thành những món ngon không thua gì đặc sản ở các nhà hàng.
Trong ký ức của tôi, củ sắn được chế biến thành biết bao món ăn ngon. Sắn nạo ra được pha với bột mì, rau thì là, một chút mì tôm sống, gia vị, ớt băm nhuyễn… viên thành từng chiếc cỡ ngón tay cái, chiên vàng, tạo thành chiếc bánh cay ròn rụm, nóng hổi xua tan cái đói lúc xế chiều. Củ sắn cũng là nguyên liệu để nấu món canh cá quả ngọt thanh. Hay đơn giản thôi, chỉ cần sắn luộc, chấm muối vừng, cũng đủ ấm lòng trong ngày đông lạnh.
Nhưng ngon nhất, có lẽ phải kể đến món xôi sắn. Trong tiết trời se se, món xôi mang mùi thơm của củ sắn đầu mùa quyện trong hương nếp mới, hương hành phi ngào ngạt, vấn vương trong tâm trí tôi, mỗi lúc đông về. Món xôi sắn ấn tượng, phần vì hương vị đặc trưng của món ăn, phần vì cách chế biến món ăn cầu kì, tỉ mỉ của mẹ.
Để món xôi được ngon, phải chọn những củ sắn vừa đào, không bị dập hay vết cắt, vẫn còn tươi nguyên lớp áo đất phủ ngoài. Sau khi rửa sạch sắn, mẹ nhẹ nhàng dùng dao lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, để lộ ra thân củ sắn trắng tinh, mỡ màng, rồi ngâm ngay vào nước lạnh khoảng 2, 3 tiếng để sắn ra hết nhựa, món ăn vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn.
Thời gian ngâm sắn, cũng là lúc mẹ vào bếp, đong lon nếp mới, vo sạch, ngâm vào một chiếc chậu riêng. Rồi mẹ bắt đầu chuyển sang làm các nguyên liệu khác. Vài củ hành tím được lột vỏ, thái miếng mỏng đều nhau, đem phi thơm vàng ruộm. Hành lá mẹ xắt nhuyễn, chao qua dầu ăn để lấy mùi thơm. Rồi thêm một chút muối vừng, hôm nào ăn sang, mẹ sẽ chuẩn bị thêm một chút thịt băm xào. Mỗi món mẹ để riêng vào một chiếc bát nhỏ, xếp ngay ngắn như bọn trẻ con chúng tôi chơi xếp đồ hàng vậy.
Làm xong từng món đó, cũng đến lúc vớt sắn ra, rửa sạch, dùng dao sắc thái thành từng miếng vuông vức, vừa ăn. Lúc này, mẹ mới cho gạo nếp vào rổ cho ráo nước, xóc thêm vài hạt muối, bắc bếp đồ xôi. Khi bắt đầu nấu, mẹ luôn quanh quẩn trong bếp, chẳng dám đi đâu, để canh cho xôi chín.
Những hạt nếp bắt đầu chín tới, mẹ luôn tay xới để hạt xôi tơi ra, sau đó, cho thêm một thìa mỡ gà vào, trộn đều, để những hạt nếp tròn căng, bóng bẩy. Đây mới là thời điểm cho sắn vào, đồ thêm một lần nữa. Mẹ vừa làm vừa thủ thỉ, nhìn thì đơn giản vậy thôi, nhưng phải quan sát, điều chỉnh lửa và bằng kinh nghiệm của riêng mình, để canh cho xôi thật dẻo, sắn thật bở, quyện vào nhau, món xôi sắn mới thành công.
Đến khi, khói đã tỏa khắp căn bếp, mùi hương thơm ngạt ngào của nếp, của sắn cũng đã bay khắp căn nhà nhỏ. Mẹ nhẹ nhàng xới xôi sắn, thêm một chút hành lá, rắc thêm một chút hành phi vàng giòn, muối vừng thơm lựng. Nhấm nháp từng miếng xôi vừa dẻo của nếp, vừa bùi hương sắn, vừa ngọt vị thịt, thơm vị hành, trong những ngày se lạnh đầu đông thật khó quên.