pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một ngành học đi làm khá vất vả nhưng mức lương "đáng đồng tiền bát gạo"
Trong những năm gần đây, tổ chức sự kiện trở thành ngành nghề phát triển, được nhiều sinh viên lựa chọn. Ngành nghề này đang khan hiếm nhân lực, mở ra cánh cửa việc làm dành cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, nhiều bạn quan tâm đến ngành nghề Tổ chức sự kiện nhưng còn khá mơ hồ về nó. Đừng lo lắng, hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích.
NGÀNH HỌC TỔ CHỨC SỰ KIỆN LÀ GÌ?
Ngành tổ chức sự kiện là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống con người, diễn ra trong các lĩnh vực: Văn hoá, chính trị, xã hội,… quy tụ số lượng lớn người tham gia tại một địa điểm và thời gian nhất định. Sự kiện thường truyền tải một thông điệp cụ thể tạo sự thu hút với đối tượng tham gia.
Chẳng hạn như chúng ta thường thấy những sự kiện quen thuộc là: World Cup, cuộc thi hoa hậu, hội nghị, hội thảo, hội chợ, lễ giới thiệu sản phẩm mới hay gần gũi hơn là bữa tiệc sinh nhật, tiệc cưới hỏi,…
Tổ chức sự kiện là hoạt động thực hiện các công việc như: Lên kế hoạch và triển khai, viết kịch bản, tính chi phí,… Người làm nghề này sẽ phải kiểm soát sự kiện từ lúc bắt đầu đến kết thúc, xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo cho sự kiện diễn ra suôn sẻ nhất. Một sự kiện diễn ra thành công khi hoàn thành đúng mục đích của ngưởi tổ chức và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh doanh nghiệp, tổ chức.
NHỮNG TỐ CHẤT CẦN CÓ KHI THEO ĐUỔI NGÀNH TỔ CHỨC SỰ KIỆN
1. Sự yêu nghề: Yêu nghề chính là yếu tố giúp bạn không chán nản, bỏ cuộc trước những khó khăn, thách thức. Yêu nghề sẽ tạo ra những năng lượng tích cực, đánh bật mọi mệt mỏi và đặc biệt bạn sẽ không bao giờ hối hận trước những quyết định của mình.
2. Sức khoẻ tốt: Sức khoẻ tốt để chiến đấu với những đêm thức trắng chuẩn bị dự án. Ngoài ra, khi chọn ngành nghề này sẽ xác định có nhiều hôm đi sớm về khuya để chuẩn bị tốt cho sự kiện sắp diễn ra. Vì vậy, bạn hãy chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ. Sức khoẻ tốt mới có thể đối mặt với những áp lực, cẳng thẳng trong công việc.
3. Có khả năng lãnh đạo, quản lý: Một người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp sẽ quản lý một ekip. Ngoài ra, họ còn phải quản lý hàng ngàn những thứ phát sinh khác như: Giờ giấc, trang thiết bị,… Họ phải biết cách sắp xếp mọi thứ một cách koa học và thông minh để tránh bị stress, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
4. Có khả năng đàm phán, giao tiếp: Một sự kiện diễn ra bao gồm rất nhiều người làm các ngành nghề khác nhau, đòi hỏi bạn phải có khả năng đàm phán và giao tiếp tốt. Có như vậy mới đạt được những lợi ích lớn lao. Đồng thời, giao tiếp tốt còn giúp giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong công việc.
5. Có ngoại hình ưa nhìn: Ngoại hình tốt hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình giao tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí được giao. Trong ngành sự kiện, ngoại hình sẽ giúp bạn nâng cao được giá trị. Thế nhưng, đôi khi sự khôn khéo trong cách nói chuyện cũng giúp ghi điểm đối với mọi người. Vì vậy, nếu không có ngoại hình tốt thì bạn hãy cố gắng trau dồi khả năng giao tiếp nhé!
6. Chăm chỉ, kiên nhẫn và bình tĩnh: Chăm chỉ, kiên nhẫn là yếu tố quyết định thành công trong mọi việc, ngành tổ chức sự kiện cũng không ngoại lệ. Dù ở bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào, bạn cũng đừng hốt hoảng, căng thẳng bởi sẽ không thể giải quyết được việc gì, thậm chí chỉ khiến mọi chuyện trở nên xấu hơn. Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, điều này sẽ giúp thay đổi mọi chuyện theo hướng tích cực nhất.
7. Trang bị ngoại ngữ tốt: Làm trong ngành tổ chức sự kiện thì ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng. Nó vừa giúp bạn dễ dàng tham khảo tài liệu phục vụ tốt cho công việc. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ tốt cũng mở ra nhiều vị trí công việc hơn cho bạn.
CÁC VỊ TRÍ CÔNG VIỆC TRONG NGÀNH TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Nhân sự là yếu tố quan trọng trong ngành tổ chức sự kiện, là nguồn khơi cho những ý tưởng sáng tạo, là người thực hiện nhiều việc trong một sự kiện. Công việc trong ngành được phân chia thành từng vị trí khác nhau như:
1. Đạo diễn sự kiện
Là người có vị trí cao nhất trong đội ngũ nhân sự và nắm giữ vai trò quan trọng mỗi khi tổ chức sự kiện. Đạo diễn sự kiện được chia ra phụ trách từng mảng riêng như: Đạo diễn sân khấu, đạo diễn âm nhạc, đạo diễn kịch bản, đạo diễn ánh sáng.
Nhiệm vụ: Xây dựng ý tưởng, thực hiện và đảm bảo chương trình diễn ra theo kế hoạch
Mức lương: 20 – 50 triệu đồng.
2. Điều phối viên sự kiện (chạy sự kiện)
Điều phối viên là những người hoạt động nhiều tại bàn điều khiển, cánh gà.
Nhiệm vụ: Đảm bảo sự kiện hoạt động trơn tru bằng cách điều phối nhân sự, âm thanh, ánh sáng,…
Mức lương: Trung bình 10 triệu đồng.
3. Nhân viên kinh doanh sự kiện (Sale event)
Nhiệm vụ: Tư vấn cho khách hàng những ý tưởng tổ chức sự kiện, địa điểm tổ chức sự kiện, các thiết bị cần thiết trong sự kiện. Đặc biệt, họ có nhiệm vụ thuyết phục khách hàng lựa chọn dịch vụ tổ chức sự kiện của công ty mình.
Mức lương: 10 – 30 triệu đồng.
4. Hỗ trợ sự kiện
Công việc hỗ trợ sự kiện thường phù hợp đối với sinh viên, thực tập sinh, làm việc parttime để tích luỹ kinh nghiệm, có cơ hội quan sát thực tế những gì được học ở trường.
Nhiệm vụ: Hỗ trợ những công việc nhỏ, lặt vặt trong sự kiện như bê đồ, cài mic,…
Mức lương: 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng.
5. Thiết kế
Thiết kế đồ hoạ 2D: Thiết kế backdrop, banner, standee, quà tặng cho sự kiện đồng thời thiết kế card, profile, hồ sơ năng lực cho công ty,… Mức lương: 10 – 15 triệu đồng.
Thiết kế đồ hoạ 3D đóng vai trò quan trọng, thiết kế dựng sân khấu 3D, dựng chương trình sự kiện 3D theo yêu cầu từ khách hàng. Mức lương: 15 – 30 triệu đồng.
6. Người phụ trách âm thanh, ánh sáng
Nhiệm vụ: Là người chịu trách nhiệm điều khiển âm thanh, ánh sáng cho sự kiện.
Mức lương: 1 – 5 triệu đồng/sự kiện.
7. Content writer
Nhiệm vụ: Người phụ trách xây dựng nội dung của sự kiện, lên ý tưởng và nội dung để truyền thông sự kiện.
Mức lương: 8 – 12 triệu đồng.
HỌC TỔ CHỨC SỰ KIỆN THI KHỐI GÌ, Ở NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÀO?
Nếu chọn ngành tổ chức sự kiện, bạn có thể chọn các khối như: A, A1, C, D và học ngành PR, quản trị sự kiện, đạo diễn, truyền thông,… Bên cạnh đó, ngành tổ chức sự kiện luôn cần những người có năng lực, kinh nghiệm làm việc thực tế tại những sự kiện. Vì vậy, ngoài việc học trên lớp, các bạn nên dành nhiều thời gian đi thực tập tại các công ty tổ chức sự kiện để tích luỹ kinh nghiệm.
Dưới đây là một số trường đạo tạo chuyên nghiệp ngành Tổ chức sự kiện:
Đại học Tôn Đức Thắng – Chuyên ngành Kinh doanh thể thao và Tổ chức sự kiện.
Đại học Ngoại ngữ và Tin học TP. HCM - Chuyên ngành Quan hệ quốc tế.
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM - Chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Chuyên ngành Quản trị sự kiện.
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hà Nội: Chuyên ngành Quản trị sự kiện khoa du lịch.
Đại học Văn hoá Hà Nội - Chuyên ngành tổ chức sự kiện văn hoá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền – Các ngành PR.
Đại học Văn Lang - Chuyên ngành Quan hệ công chúng.
Đại học Quốc gia Hà Nội – Khoa Báo chí.
Đại học Quốc gia TP. HCM – Khoa Báo chí.
Cao đẳng FPT - Chuyên ngành Quan hệ công chúng PR, Tổ chức sự kiện.
Đại học Sân khấu Điện ảnh – Khoa Đạo diễn sân khấu.