Một ngành học "khát" nhân lực, yêu cầu lớn nhất là biết cảm thông và kiên nhẫn

Ứng Hà Chi
07/11/2022 - 12:28
Một ngành học "khát" nhân lực, yêu cầu lớn nhất là biết cảm thông và kiên nhẫn
Những thí sinh chọn lĩnh vực mới này ở bậc Đại học sẽ có nhiều cơ hội về việc làm sau khi tốt nghiệp, bao gồm tại các bệnh viên lớn trong cả nước.

Theo báo cáo toàn cầu về khuyết tật cho thấy có tới 15% dân số trên thế giới mắc một trong các dạng khuyết tật, trong số đó bao gồm cả khiếm khuyết về giao tiếp. Rối loạn giao tiếp chiếm tỷ lệ khá cao. Ở Việt Nam, có khoảng 4,5 triệu người cần được áp dụng ngôn ngữ trị liệu. Trong đó, nhóm trẻ em bị rối loạn ngôn ngữ chiếm tới 25% trẻ ở độ tuổi tiền học đường. 

Theo thông tin thu thập được từ nhiều nghiên cứu cho thấy, nhu cầu về ngôn ngữ trị liệu cần được phát hiện càng sớm càng tốt nhằm cải thiện đáng kể tình trạng của người bệnh. Đồng thời, các dịch vụ về ngôn ngữ trị liệu cần được tiếp cận dễ dàng, sẵn sàng và công bằng giúp phòng ngừa rào cản trong giao tiếp, cũng như vấn đề sức khỏe nhằm giảm thiểu chi phí điều trị cho người bệnh. 

Chính vì những lý do trên, Ngôn ngữ trị liệu trở thành ngành học thiếu nhân lực trầm trọng, có nhu cầu tuyển dụng cao. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này hứa hẹn có nhiều cơ hội việc làm cũng như phát triển sự nghiệp trong tương lai. 

NGÀNH NGÔN NGỮ TRỊ LIỆU LÀ GÌ?

Ngôn ngữ trị liệu thuộc lĩnh vực chuyên môn gồm các dịch vụ về đánh giá, chẩn đoán, tạo chức năng, phục hồi chức năng, tư vấn cùng với phòng ngừa cho người có rối loại về âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát trong giao tiếp, nhận thức hoặc nuốt khó, rối loạn nuốt hay do chấn thương, ung thư, đột quỵ, mắc các bệnh liên quan đến thần kinh tiến triển. 

Một ngành học "khát" nhân lực, yêu cầu lớn nhất là biết cảm thông và kiên nhẫn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngôn ngữ trị liệu nhằm mục đích giúp người bệnh giao tiếp và nuốt hiệu quả hơn để họ có thể tham gia học tập cũng như những hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Qua đó tạo điều kiện cho những người này nâng cao trình độ văn hóa hóa, năng lực làm việc. Đồng thời giúp họ hòa nhập với xã hội, góp phần duy trì cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Chuyên viên ngôn ngữ trị liệu không chỉ giúp bệnh nhân phục hồi khả năng diễn đạt ngôn ngữ mà còn hướng dẫn người nhà các phương pháp nắm bắt thông tin hiệu quả nhất trong khi giao tiếp với người bệnh.

NHỮNG TỐ CHẤT CẦN CÓ CỦA CHUYÊN VIÊN NGÔN NGỮ TRỊ LIỆU

Tố chất cần có đầu tiên của một chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu là biết quan tâm, thông cảm với người khác. Đây là điều kiện quan trọng nhất của những ai muốn hành nghề y vì có như thế mới tận tâm với bệnh nhân. Và riêng với ngành Ngôn ngữ trị liệu cần thêm tính kiên nhẫn. Để nói trọn vẹn một từ, có những bệnh nhân mất nhiều buổi tập, mỗi buổi kéo dài hàng giờ. Vì vậy, nếu chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu không nhẫn nại sẽ dễ thất bại, không làm được việc. 

Chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu không chỉ cần kiên nhẫn mà còn phải giúp cả bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân có được sự kiên nhẫn. Nếu bệnh nhân và người nhà không hiểu được vấn đề, tỏ ra nôn nóng thì có nguy cơ bỏ cuộc giữa chừng. Ngoài ra, về mặt học tập, chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu cần học tốt các môn tự nhiên, nhất là môn Sinh. Bên cạnh đó, những ai yêu thích và có độ nhạy về ngôn ngữ sẽ bắt nhịp tốt và là một lợi thế.

Một ngành học "khát" nhân lực, yêu cầu lớn nhất là biết cảm thông và kiên nhẫn - Ảnh 2.

Ngoài kiến thức chuyên môn, chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu cần có sự kiên nhẫn trong quá trình làm việc. (Ảnh minh họa).

CƠ HỘI VIỆC LÀM VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH NGÔN NGỮ TRỊ LIỆU

Liên quan đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, do đặc thù là một ngành mới, chưa được đào tạo nhiều ở Việt Nam nên hầu hết các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện lớn, đều rất quan tâm và nhu cầu tuyển dụng rất cao. Sau khi ra trường, sinh viên có thể lựa chọn những vị trí làm việc sau: 

- Kỹ thuật viên phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế.

- Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về phục hồi chức năng.

- Nghiên cứu viên, cán bộ dự án tại các trung tâm nghiên cứu, tổ chức có liên quan đến người khuyết tật.

- Các trung tâm giáo dục chuyên biệt. 

Một số trường Đại học đào tạo ngành Ngôn ngữ trị liệu là: 

- Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

- Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng. 

- Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

- Đại học Y dược TP HCM.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm