Một ngày sau khi phân loại rác tại nguồn: Người nội trợ nói gì?

25/11/2018 - 13:49
Sau 1 ngày thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn theo Quyết định số 44/2018/QĐ của UBND TP HCM, PV báo PNVN đã có cuộc khảo sát quanh các quận lân cận trung tâm nhận thấy, rác hiện vẫn chưa được phân loại như mong muốn. Thậm chí, một số người làm nội trợ - những người thường xuyên và trực tiếp tham gia phân loại rác - còn chưa nghe về thông tin trên.

Những cái khó

Trước quy định phân loại rác, khá nhiều người dân ủng hộ và đồng tình vì ý nghĩa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, về tính khả thi của quy định này, nhiều người không khỏi e dè và đặt ra nhiều ý kiến.

Khá nhiều chị em cho rằng việc phân loại rác đồng bộ từ nguồn đến bộ phận thu gom còn nhiều bất cập. Chị Nguyễn Thị Huệ (Phường Hòa Thọ, quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Tôi cũng nghe về phân loại rác lâu rồi nhưng bị xử phạt nếu không phân loại thì mới nghe thôi. Như nhà tôi quản lý dãy trọ 20 phòng, hằng ngày các phòng cứ ôm rác bỏ vô thùng trước nhà. Bây giờ mà phạt vì không phân loại không lẽ tôi phải gánh lấy sao, tôi không thể cứ ngồi canh ai không phân loại rác trước khi cho vào thùng”.

5.jpg
Việc phân loại rác đồng bộ từ nguồn đến bộ phận thu gom còn nhiều bất cập. 

Cô Phan Thị Tư (Phường Hòa Thọ, quận Tân Phú, TPHCM) cũng cho biết: “Cô cũng thường xuyên phân loại rác hằng ngày. Thức ăn thừa cô cho vô xô để người ta đến lấy chở về cho gà, vịt ăn. Còn chai lọ để riêng bán ve chai. Các loại rác còn lại cho vào bao để xe tới gom. Tuy nhiên, cô thấy họ gom rác rồi đổ dồn chung vô một xe. Cho dù có phân loại tại hộ gia đình thì khi xe đến chở gom chung vào một thùng nó cũng rách bao ra, rác lộn vào nhau, như vậy, phân loại sẽ trở thành công cốc”.

Chị Phan Thị Hoa (Phường 5, quận 3, TPHCM) cũng nêu ra ý kiến: “Nếu phân loại rác rồi để trước nhà trong lúc chờ xe đến gom nhiều người nhặt ve chai cứ cố gắng xáo lên tìm chai nhựa ở những bao khác; đổ lẫn các rác vào với nhau thì lúc đó phạt ai?”

4.jpg
Rác vẫn chưa được phân loại đúng theo quy định 

Chị Đặng Thùy Linh (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) bộc bạch: “Vợ chồng mình thuê trọ bé xíu, như theo quy định là phải chia rác ra làm 3 loại, nghĩa là phải có tới 3 sọt rác hoặc ba bao rác khác nhau. Phòng trọ mình chỉ để được 1 cái sọt nhỏ thôi. Hơn nữa, rác hữu cơ mà thu gom cách nhật để trong nhà rất hôi thối”.

Bên cạnh đó, còn có khá nhiều hộ lại tỏ ra ngơ ngác trước quy định này. Cô Lương Thanh Vân (quận Tân Bình, TPHCM): “Tôi chưa nghe về quy định này, cũng chưa nghe mấy cô đi gom rác nói gì cả. Ngày nào tôi cũng cho rác vào bao và bỏ đúng nơi quy định”.

7.jpg
Thói quen vứt rác bừa bãi vẫn chưa được thay đổi ở một số hộ dân

Những chị nội trợ nắm rõ quy định thì nhận thấy ngay có bất cập về thời gian thu gom rác. Với quy định sẽ tổ chức thu gom riêng các chất thải theo lịch, cụ thể: Thu gom chất thải hữu cơ vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật; các chất thải còn lại vào thứ ba, năm, bảy trong tuần, nhiều bà nội trợ đề nghị nên xem lại quy định này. Chị Lê Lan (quận 7, TPHCM) nói: “Chất thải tái sử dụng, tái chế và chất thải khác không phải ngày nào cũng có, lại có thể gom bán hoặc cuối tuần thu gom vẫn không sao. Trong khi đó, chất hữu cơ, nhóm thức ăn thừa, rau củ, quả hư bỏ đi hằng ngày lại rất nhiều. Nếu để qua hai ngày thì rất hôi thối. Tôi nghĩ là cần xem xét là lịch thu gom này”.

Đừng để quy định thành “đánh trống bỏ dùi”

Hiện nay, công tác tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lực lượng tuyên truyền nòng cốt hầu hết từ các cơ quan, đoàn thể, kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa chủ động thực hiện, chỉ tham gia khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, số lượng thùng rác để phân loại không phải quận nào cũng được trang bị đầy đủ, đa phần các quận trung tâm hoặc các con đường lớn, đường mặt tiền mới được trang bị đầy đủ. Nhiều hẻm nhỏ ở các quận ven thành phố thậm chí còn không có thùng rác hoặc thùng rác đặt cho có, nó quá bé so với lượng rác hằng ngày.

8.jpg
Các thùng rác cần dán nhãn để người dân biết cách phân loại đúng đắn 

Chưa kể, ý thức của nhiều người dân vẫn còn hạn chế. Còn khá nhiều người đổ rác ra đường, ném rác bừa bãi trước cửa nhà người khác hoặc xả xuống miệng cống, kênh mương.

Một tổ trưởng tổ dân phố tại quân Tân Phú, TPHCM phân tích: “Việc phân loại rác tại nguồn là quy định đúng đắn tuy nhiên khi triển khai ra thực tế rất khó khăn. Với lịch gom rác như hiện nay, nhiều hộ dân phải ghi nhớ thứ nào bỏ rác gì thì rất rườm rà. Hơn nữa, không phải lúc nào trong nhà cũng sắm sẵn các bao màu xanh, màu xám, còn dán giấy lên thì lỡ trời mưa trôi mất thì làm sao. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người tiện đâu vứt đó, tuyên truyền họ bỏ rác đúng nơi quy định là vui lắm rồi, giờ kêu họ phân loại và bỏ theo thứ tôi thấy khó lắm?”

9.jpg
Rác bỏ không đúng nơi quy định còn rất nhiều 

Ngay đến những người nhận trách nhiệm đi thu gom rác cũng có lúc để rác tồn đọng ngày này qua ngày khác. Nhưng cũng không trách họ hoàn toàn, bởi lẽ quyền lợi và công cụ lao động của người thu gom rác còn chưa được quan tâm đúng mức. Một số người thu gom rác dân lập không được các chế độ phụ cấp nhà nước, cũng như không được bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn nên họ cũng không “mặn mà” chú tâm cho công việc.

6.jpg
Công cụt thu gom rác hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức 

Hiện nay, quy định được khá nhiều người ủng hộ tuy nhiên để thực hiện có kết quả lâu dài, TP HCM cần có phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng; phải hỗ trợ người dân để việc phân loại rác dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả, đừng để quy định trên lại đi theo con đường “đánh trống bỏ dùi”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm