pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một số loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình mùa dịch Covid-19
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 kéo dài thì việc hiểu và tự chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng, Một số loại thuốc không cần kê đơn dưới đây bạn nên bổ sung vào tủ thuốc gia đình, sẽ giúp ích cho bạn xử lý một số tình huống sức khỏe thông thường. Dưới đây là một số loại thuốc nên có sẵn trong tủ thuốc gia đình.
Gợi ý một số loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình mùa dịch COVID-19
1. Thuốc giảm đau, hạ sốt acetaminophen
Thuốc acetaminophen được ứng dụng nhiều cho các trường hợp đau nhức, đau đầu, hoặc sốt. Lưu ý liều dùng tối đa 6 viên 500mg/1 ngày, tức không quá 3g.
Lưu ý đối với bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh gan không nên uống qua 3 viên 500mg một ngày, liều dùng không quá 5 ngày.
Ngoài ra, có loại thuốc acetaminophen liều cao là 650mg mỗi viên, thường được dùng cho các trường hợp đau nhức xương khớp tuy nhiên không dùng quá 4 viên 1 ngày với người thường và cẩn trọng khi sử dụng với người có tiền sử mắc bệnh lý về gan thận.
Đối với những trường hợp không đáp ứng thuốc hạ sốt cần đến gặp ngay bác sĩ, không tự ý điều trị quá liều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, một số trường hợp có thể nguy kịch.
Lưu ý là một số thuốc cảm cúm có chứa thành phần acetaminophen, do vậy cần lưu ý để tránh tổng liều cao dẫn đến ngộ độc.
2. Thuốc giảm đau hạ sốt nhóm NSAID
Các thuốc giảm đau NSAID (Nonsteroidal Anti-inflammatory drugs) thường được dùng trong điều trị đau nhức xương khớp. Ngoài tác dụng giảm đau, nhóm này còn có công dụng trong việc giảm tình trạng viêm, sưng. Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt bị đau bụng kinh có thể sử dụng 1 -2 viên giúp giảm đau và giảm các cơn co bóp. Tuy nhiên không nên dùng liên tục hoặc dùng quá nhiều vì nhóm thuốc này có tác dụng phụ làm tăng nặng tình trạng viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày và gây tổn thương thận. Nên trao đổi kỹ với dược sĩ về liều dùng và khuyến cáo sử dụng.
Đối với nhóm thuốc này, chỉ nên dùng tối đa 2-3 viên mỗi ngày, nếu hết đau có thể ngưng sử dụng. Hoặc có những triệu chứng như đau dạ dày hoặc buồn nôn, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí. Cẩn trọng với những trường hợp bị bệnh thận hoặc viêm loét dạ dày mãn tính.
3. Thuốc dị ứng
Tủ thuốc gia đình nên có một số loại thuốc chống dị ứng. Các thuốc như diphenhydramine, loratadine, cetirizine hay fexofenadine được sử dụng trong các trường hợp: Mề đay, mẩn ngứa, nổi mẩn đỏ khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, hóa chất, hoặc dị ứng khi ăn hải sản. Có thể dùng 1 trong những loại thuốc chống dị ứng kể trên, nếu không giảm và tiếp tục tăng nặng triệu chứng sau nhiều ngày thì nên đến gặp bác sĩ
Thuốc dị ứng ức chế chất histamin tiết ra từ tế bào miễn dịch gây ngứa và sưng đỏ da. Trong nhóm này có thuốc gây buồn ngủ như diphenhydramine, cần thận trọng và không nên lái xe khi uống. Một tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này đó chính là hiện tượng đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ và cảm giác cồn cào ở hệ tiêu hóa. Cẩn trọng khi sử dụng với trẻ nhỏ.
4. Thuốc giảm đau dạ dày, kháng acid
Bao gồm các thuốc PPI (omeprazole/lansoprazole), kháng histamin H2 (famotidine) hay kháng acid (tums/calcium carbonate/magnesium hydroxide). Các loại thuốc này dùng cho các trường hợp:
- Viêm loét dạ dày, đau dạ dày, ợ chua
- Ăn không tiêu, đau tức ngực, đầy hơi do dư thừa axit
- Nôn, buồn nôn, trào ngược dạ dày
Tuy nhiên những loại thuốc này chỉ nên sử dụng tối đa trong 2 tuần. Nếu không giảm triệu chứng, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế để kiểm tra tìm vi khuẩn HP nếu có. Các loại thuốc giảm acid/kháng acid đều có thể có tác dụng phụ như chóng mặt nhẹ.
5. Thuốc trị táo bón
Táo bón là hiện tượng khó chịu nhưng thường xuyên gặp phải và có xu hướng gia tăng trong mùa dịch. Nguyên nhân gây táo bón chủ yếu do lượng nước ít trong ruột, làm tăng độ cứng của phân và làm giảm mức độ di chuyển của phân. Nếu bị táo bón trong nhiều ngày, bạn có thể tăng cường thêm rau xanh và hoa quả, đặc biệt nên uống nhiều nước và ăn thêm chuối. Nếu không thuyên giảm triệu chứng, có thể uống thuốc làm mềm phân hoặc thuốc kích thích đi ngoài.
Các loại thuốc uống có thể dùng tại nhà là: Docusate làm mềm phân; psyllium tăng chất xơ; dầu mineral oil để dễ đi cầu…Nếu táo bón mạn tính, táo bón do bệnh lý cần đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
6. Thuốc ho, giảm đờm, nghẹt mũi
Trong mùa dịch COVID-19, việc luôn có trong gia đình các loại thuốc ho, giảm đờm hoặc thông ngạt mũi là cần thiết. Những loại thuốc này cũng hỗ trợ rất tốt nếu như trong gia đình có người bệnh F0 đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên, những loại thuốc này cần sử dụng đúng liều lượng, đặc biệt là các loại xịt rửa mũi, nếu lạm dụng có thể gây tổn thương niêm mạc mũi làm tình trạng tồi tệ hơn.
Ngoài ra, trong tủ thuốc gia đình nên có thêm một số multivitamin và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho mọi thành viên, đặc biệt không thể thiếu bù nước điện giải oresol trong trường hợp bị sốt, tiêu chảy, mệt mỏi, mất sức, suy kiệt.