Mua đồ siêu thị nấu cơm miễn phí

22/07/2016 - 17:04
“Tôi đi bán vé số cơ cực lắm. Nhiều khi không có tiền phải bỏ bữa. Từ khi có suất cơm miễn phí này thì đỡ rất nhiều, tiết kiệm được thêm chút tiền mua thuốc cho chồng”, chị Hồ Thị Thu Xuân (SN 1966) chia sẻ.
Cứ gần 11 giờ đều đặn thứ 2, 4, 6 hằng tuần, chị Xuân lại ghé đình An Phú (Q.2, TP.HCM) để lấy 2 phần cơm miễn phí cho mình và chồng. Chị Xuân kể, chị bị liệt cả hai chân sau một cơm sốt khi còn nhỏ. Sau này may mắn có có một người đàn ông yêu thương rồi nên nghĩa vợ chồng. Nhưng cách đây mấy năm, không may chồng chị bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não phải nằm một chỗ. Cũng từ đó, chị đi bán vé số kiếm tiền trang trải cho gia đình.

“Cuộc sống của hai vợ chồng hết sức khó khăn. Cũng may từ khi có phần cơm miễn phí của phường An Phú tổ chức mà đỡ đi phần nào”, chị Xuân tâm sự. Khi nhận xong phần cơm, chị Xuân cẩn thận treo lên xe lăn rồi ra về.
1.JPG
Chị Hồ Thị Thu Xuân nhận cơm miễn phí ở đình An Phú. 
Cũng từ khi có phần cơm miễn phí của phường An Phú, chị Phạm Thị Mỹ Lan (45 tuổi) đỡ đi một phần gánh nặng trong cuộc sống. Chị Lan vốn không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập bấp bênh. Phần cơm nhận được khiến chị cảm thấy rất vui. “Bây giờ đi chợ hết sức đắt đỏ. Ra tiệm ăn ngon thì mình không có tiền. Còn cơm từ thiện này thì vừa nhiều, lại rất hợp khẩu vị”, chị Lan cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú (Q.2, TP. HCM) cho biết, bếp ăn được tổ chức được mấy tháng nay, đều đặn 3 lần mỗi tuần. Để duy trì được bếp cơm từ thiện, tất cả cán bộ và đoàn thể của phường cùng nhau vận động những nơi quen biết, các mạnh thường quân đóng góp. Do không có mặt bằng để xây dựng bếp ăn nên phường đã xin phép được tổ chức ở khu bếp của đình An Phú.

Bà Võ Thị Gái, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Phú cho biết, hầu hết thực phẩm được mua ở chợ, nhưng phải nhắm đồ đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm thì mới mua. Nếu thực phẩm nào ở chợ mà không chắc chắn, nghi ngờ có hóa chất này kia, thì sẽ mua siêu thị cho bảo đảm.
4.jpg
Các cô, các dì đang chuẩn bị nguyên liệu cho việc nấu nướng. 
Hiện có hơn 10 chị em phụ nữ đang tham gia vào việc nấu ăn ở bếp ăn từ thiện. Có người làm công việc nội trợ, người ở nhà giữ cháu, nhưng cũng có người đi bán vé số… khi hay tin phường mở bếp ăn thì xung phong đến nấu ăn, góp chút công sức mang niềm vui đến cộng đồng.

Bà Lê Thị Kim Hương (56 tuổi) cho biết, công việc nấu nướng ở bếp không quá mệt nhọc, cũng chỉ nhặt rau, làm thực phẩm nên sức mình còn làm được. Bình thường bà Hương ở nhà trông cháu, khi nghe tin bếp ăn cần người thì xung phong tham gia. “Tuy không đến mức vất vả nhưng mình cũng phải sắp xếp công việc ở nhà cho trọn vẹn. Tham gia vào bếp ăn, thấy mình cũng vui hơn, khỏe khoắn hơn vì làm được công việc ý nghĩa”, bà Hương tâm sự.
2.JPG
Phần cơm miễn phí đã giúp cho cuộc sống của nhiều người bớt đi chút khó khăn trong cuộc sống. 
Bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh (69 tuổi, bếp trưởng) chia sẻ, trước đây từng làm nhiều công việc ở phường như Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ nên bà rất hiểu những khó khăn của người nghèo và thấu hiểu được từng hoàn cảnh cụ thể trên địa bàn. “Những người nhận cơm đều là người lao động chân tay nên phải để cơm và đồ ăn nhiều để họ có sức khỏe. Mong sao bữa cơm đầy tình cảm này sẽ giúp những người nghèo khó có thêm động lực để sống, làm việc” bà Mai Quỳnh chia sẻ.

Mỗi lần bếp ăn cung cấp gần 150 suất cơm với đủ món xào, món mặn và canh rau. Những người đủ sức khỏe sẽ tự đến đình An Phú để nhận phần cơm. Còn với những người già yếu, không đi lại được, có người tình nguyện mang cơm đến tận nhà. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm