pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa đông nên rửa mặt bằng nước lạnh hay nước nóng?
Ảnh minh họa
Làm sạch là một bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da. Làm sạch đúng cách là điều cần thiết để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa, giúp ngăn ngừa mụn trứng cá. Hơn nữa, làm sạch da đúng cách sẽ giúp da loại bỏ những tích tụ ô nhiễm, giảm thiểu tác hại của các gốc tự do do các hạt vật chất trong không khí gây ra, vốn có liên quan đến lão hóa sớm.
Đặc biệt, rửa mặt là chìa khóa để loại bỏ các tế bào chết tích tụ trên da - một trong những tác nhân làm da xỉn màu, giúp làn da khỏe mạnh, rạng rỡ hơn.
Tuy nhiên, rửa mặt bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho làn da của bạn. Nhiệt độ nước khác nhau sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với làn da. Vậy khi rửa mặt nên để nhiệt độ nước ở mức bao nhiêu?
1. Rửa mặt bằng nước lạnh có tốt không?
Nước lạnh có nhiều lợi ích đối với làn da, đặc biệt đối với những người da mụn và da khô. Nước nóng có thể sẽ lấy đi lượng dầu cần thiết trên da, làm cho da càng khô hơn và dễ nổi mụn, nhưng nước lạnh sẽ không gây ra tình trạng này.
Ngoài ra, rửa mặt bằng nước lạnh giúp tăng lưu lượng máu, giúp da được bảo vệ tốt hơn khỏi các gốc tự do, chẳng hạn như ô nhiễm, và có thể giúp da bạn sáng khỏe hơn.
Tuy nhiên, rửa mặt bằng nước lạnh vẫn có những nhược điểm đối với làn da. Theo Sophia Knapp - một chuyên gia thẩm mỹ của hãng mỹ phẩm Oxygenetix - cho biết: "Vì nước lạnh làm se khít lỗ chân lông của bạn nên vi khuẩn và bụi bẩn vẫn còn trên da và không được làm sạch như sử dụng nước ấm". Điều này có thể dẫn đến lỗ chân lông bị tắc và nổi mụn.
2. Rửa mặt bằng nước nóng có tốt không?
Rửa mặt bằng nước nóng sẽ giúp giãn nở lỗ chân lông, làm sạch lượng dầu trên mặt. Tuy nhiên, sử dụng nước quá nóng một cách thường xuyên sẽ lấy đi lượng dầu cần thiết trên da mặt nên dễ dẫn tới tình trạng da bị khô, bong tróc, kích ứng.
Đặc biệt, nếu làn da không được dưỡng ẩm có thể dẫn tới tình trạng bị nứt nẻ, đỏ rát. Hơn nữa, nước quá nóng có nguy cơ làm vỡ các mao mạch nhỏ dưới da.
Rửa bằng nước bao nhiêu độ là tốt nhất?
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyên bạn nên rửa mặt bằng nước ấm để giúp làn da được làm sạch mà không bị mất đi độ ẩm. Hơn nữa, việc rửa mặt bằng nước ấm còn cho phép các sản phẩm chăm sóc da của bạn hấp thụ tốt hơn. Vì vậy, mọi người nên sử dụng nước ấm từ 32 đến 35 độ để rửa mặt hàng ngày.
Ngoài ra, các bạn có thể thay đổi nhiệt độ nước sao cho phù hợp hơn với làn da của mình, chẳng hạn:
- Da thường: Đây là loại da dễ chăm sóc, không quá dầu hoặc khô. Các bạn có thể xông hơi hoặc rửa mặt với nước ở nhiệt độ từ 32 đến 34 độ.
- Da dầu nên rửa mặt với nước ở nhiệt độ từ 33 đến 35 độ
- Da khô nên rửa mặt với nước ấm ở nhiệt độ 32 - 33
- Da khô, da nhạy cảm, bị ửng đỏ nên rửa mặt với nước ở nhiệt độ 32
3. Một số quy tắc rửa mặt đúng cách
Ngoài nhiệt độ của nước, các bạn cũng nên quan tâm đến các quy tắc khác khi rửa mặt để đảm bảo da được làm sạch và chăm sóc đúng cách, cụ thể:
- Bạn nên rửa mặt hai lần mỗi ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ. Vì rửa quá nhiều có thể làm cho da bị khô và kích ứng.
- Bạn nên rửa mặt với lực vừa đủ, không nên chà sát quá mạnh vào da mặt vì sẽ khiến da nhanh bị chảy xệ. Thay vào đó, các bạn có thể chọn máy rửa mặt, như vậy da vừa được làm sạch lại giúp da săn chắc, chống lão hoá, được thư giãn.
- Sau khi rửa mặt nên lau khô nước trên da, sau đó thoa toner và dưỡng ẩm ngay sau đó. Điều này sẽ giúp da hấp thu dưỡng chất một cách tốt hơn.
- Lựa chọn sản phẩm phù hợp, chẳng hạn như sữa rửa mặt, tẩy da chết, dưỡng ẩm,… Đặc biệt, không nên chọn những sản phẩm có xà phòng hoặc có tính tẩy rửa quá mạnh, như vậy sẽ làm mất độ cân bằng pH của da.
Nhìn chung, để có một làn da mịn màng, khỏe mạnh, mọi người nên rửa mặt bằng nước ấm 2 lần/ngày, dưỡng ẩm cho da thường xuyên. Đặc biệt, việc uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa là điều cần thiết để duy trì một làn da đẹp.
Đối với những người có các vấn đề về da như viêm da, chàm, da mặt kích ứng, đang điều trị mụn,… nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu về chế độ chăm sóc da sao cho phù hợp.