pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa hè ảnh hưởng tới thận như thế nào?
Thận giữ các chức năng quan trọng đối với cơ thể như lọc máu và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, bài tiết nước tiểu, điều hòa thể tích máu,... Duy trì sức khỏe của thận là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, vào mùa hè thận dễ bị tổn thương do các yếu tố như nhiệt độ, lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày.
1. Mùa hè ảnh hưởng đến thận của bạn như thế nào?
Vào mùa hè, mọi người thường có xu hướng bị mất nước nhiều, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó bao gồm vấn đề về thận như suy thận cấp, gia tăng sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Do nắng nóng nên cơ thể toát nhiều mồ hôi và mất nước, lúc này thận sẽ dự trữ nước bằng cách tạo ra nước tiểu cô đặc, điều này làm giảm khả năng hòa tan các chất trong thận, tạo môi trường cho các tạp chất lắng đọng tạo thành sỏi.
Ngoài ra, tập luyện cường độ cao mà không cung cấp đủ nước có thể dẫn đến chấn thương cơ hoặc tiêu cơ vân, dẫn đến rò rỉ protein cơ vào máu dẫn đến suy thận cấp.
Hơn nữa, thói quen uống nhiều nước ngọt, nước có ga và ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng đường cao vào ngày hè cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thận mãn tính.
2. Làm thế nào để bảo vệ thận trong mùa hè?
Theo Healthshots, để phòng ngừa các bệnh lý về thận trong mùa hè, mọi người nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh như:
Bổ sung nước phù hợp
- Mỗi ngày, mọi người nên uống từ 2 đến 3 lít. Đối với trẻ em có thể tùy vào độ tuổi và cân nặng, trẻ từ 1 đến 10 tuổi có thể ước tính lượng nước cần thiết theo công thức 1.000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ), trẻ từ 10 tuổi trở lên có thể bổ sung lượng nước bằng người lớn. Nước giúp loại bỏ natri và chất độc khỏi thận của bạn cũng như làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
- Những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận mãn tính, bệnh tim,… nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống nước. Giữ đủ nước trong mùa hè là rất quan trọng, nhưng bệnh nhân mắc bệnh thận cần lưu ý để tránh quá tải chất lỏng. Tốt nhất là đo thể tích nước tiểu và thêm 500 ml khi đổ mồ hôi, đây sẽ là lượng chất lỏng mà bạn cần nạp vào.
- Những người làm việc ngoài trời vào mùa hè nên tăng lượng nước, khoảng 20 phút nên uống thêm 250 ml nước để duy trì mức độ hydrat hóa thích hợp.
- Nếu các bạn tập thể dục, nên uống 350ml nước trước khi tập và bổ sung sau khi tập từ 30 đến 45 phút. Đối với những người tập luyện với cường độ cao và kéo dài, có thể bổ sung cả nước lọc và đồ uống thể thao.
Lưu ý, bạn nên cảnh giác với các dấu hiệu mất nước như khô miệng và cổ họng, giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, chóng mặt và nhịp tim không đều hoặc nhanh. Khi thấy các dấu hiệu này, nên bổ sung lượng nước phù hợp cho cơ thể.
Chế độ ăn uống và lối sống khoa học
- Tránh đồ uống có ga, có hàm lượng caffein và đường cao vì loại đồ uống này có thể gây mất nước mặc dù ở dạng lỏng.
- Tránh xa rượu vì có thể gây mất nước và ảnh hưởng tới sức khỏe thận
- Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, thực phẩm ăn liền vì chúng chứa nhiều muối, có thể làm tăng nguy cơ mất nước và làm gánh nặng cho thận.
- Tăng cường ăn các loại rau củ quả chứa nhiều nước như dưa hấu, đào, dâu tây, anh đào, dưa chuột, rau diếp để đảm bảo bổ sung nước và khoáng chất.
- Vào thời điểm nắng nóng cực điểm, bạn nên ở trong nhà hoặc tìm nơi có bóng râm, mát để nghỉ ngơi.
- Mặc quần áo bằng vải cotton và thoáng mát để tránh để cơ thể bị toát quá nhiều mồ hôi
- Tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm từ 12 đến 16 giờ chiều
- Tập thể dục thường xuyên, điều này sẽ tốt cho thận và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, bạn nên tránh tập thể dục mạnh trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời vì dễ gây chấn thương cơ và mất nước.
- Không hút thuốc vì chúng có thể làm xơ vữa mạch máu, ảnh hưởng tới các mạch máu nuôi thận
Ngoài ra, khi có các dấu hiệu bất thường như đi tiểu nhiều lần cả ban ngày và ban đêm, tính chất của nước tiểu thay đổi như nước tiểu có bọt hoặc có máu, tay chân phù nề,... các bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra chức năng thận.