pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa hè uống trà bạc hà mỗi ngày có tốt không?
Cây bạc hà là một gia vị quen thuộc của nhiều người Việt và được ứng dụng rất nhiều trong các bài thuốc Y học cổ truyền. Cây bạc hà có tên khoa học là Mentha Arvensis, tiếng anh là Mint - đây là một loại cây thân thảo với chiều cao khoảng từ 60 - 80 cm.
Có nhiều loại bạc hà khác nhau (khoảng 25 nhánh nhỏ), có thể kể đến như: Bạc hà Á, bạc hà Âu, bạc hà chocomint, bạc hà Ginger mint, Apple Mint, bạc hà lục, Mentha Arvensis, Catnip... Trong đó bạc hà Âu, bạc hà chocomint thường được sử dụng để pha trà.
1. Tác dụng của trà bạc hà đối với sức khỏe?
Đầu tiên, khi nhắc đến giá trị dinh dưỡng thì trà bạc hà hầu như không chứa calo và lá bạc hà là một nguồn tự nhiên của nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu có thể kể đến như vitamin A và vitamin C nên trà bạc hà cũng có thể chứa một lượng nhỏ các thành phần dinh dưỡng này. Một đặc tính dinh dưỡng độc đáo khác của trà bạc hà là hàm lượng menthol. Hợp chất này có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe. Cụ thể:
- Tốt cho hệ tiêu hóa
Nhờ hợp chất hữu cơ menthol mà trà bạc hà có thể mang lại một số tác dụng đối với hệ tiêu hóa bao gồm: chống co thắt (thư giãn các cơ trơn của đường tiêu hóa) và tạo điều kiện cho thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa nhanh hơn và trơn tru hơn.
Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Current Pharmaceutical Design đã báo cáo rằng các thành phần của bạc hà có thể giúp làm giảm tình trạng khó tiêu cho những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra, theo Mount Sinai, trà bạc hà kích thích dòng chảy của mật, giúp hỗ trợ tiêu hóa bằng cách phân hủy chất béo. Đó là lý do tại sao nhâm nhi trà bạc hà sau bữa ăn có thể là một lựa chọn đáng được ưu tiên khi đang băn khoăn không biết sau khi ăn nên uống gì để tốt cho sức khỏe tiêu hóa.
- Lợi ích của trà bạc hà đối với đường hô hấp
Mặc dù còn hạn chế nhưng đã có một số bằng chứng chỉ ra uống trà bạc hà có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe đường hô hấp nhờ tác dụng của menthol trong việc giúp thông mũi tự nhiên, làm loãng đờm và chất nhầy.
Hơn nữa, uống trà bạc hà là một cách để bù nước cho cơ thể, đặc biệt là trà bạc hà ấm, đã được chứng minh là có thể giúp cải thiện tạm thời các triệu chứng của bệnh viêm xoang, cảm lạnh như sổ mũi, ho khan, đau họng.
Bên cạnh đó, trà bạc hà chứa vitamin B, canxi và kali giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể. Đó cũng là một trong những lý do tại sao người ta dùng trà bạc hà trong quá trình bị cảm lạnh và cảm cúm.
- Có thể có lợi cho sức khỏe tâm thần
Menthol có trong trà bạc hà được cho là có tác dụng làm dịu, hỗ trợ giảm căng thẳng và thư giãn, theo nghiên cứu trên Tạp chí Pharmacy & Pharmacology năm 2021.
Hơn nữa, trà bạc hà được cho là có tác dụng kích thích não bộ, cải thiện khả năng tập trung và chức năng nhận thức. Đây là một giải pháp thay thế tự nhiên, không chứa caffeine có thể giúp duy trì sự tỉnh táo về mặt tinh thần mà không gây ra các tác dụng phụ gây bồn chồn liên quan đến caffeine.
Mở rộng hơn, một nghiên cứu năm 2018 trên NCBI thực hiện trên 24 người trẻ khỏe mạnh uống viên nang tinh dầu bạc hà ở liều 50 microliter (µL) và 100 µL. Kết quả cho thấy nhóm người đều có sự giảm bớt tình trạng mệt mỏi về mặt tinh thần,
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về những lợi ích này còn hạn chế và chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi kết luận chính xác về cách mà trà bạc hà có lợi như thế nào đối với sức khỏe tâm thần cũng như các rủi ro có thể gặp.
- Một số lợi ích tiềm năng khác của trà bạc hà:
Các nghiên cứu về những tác dụng này của trà bạc hà còn giới hạn mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, người bệnh không nên sử dụng để thay thế cho phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định.
+ Lợi ích đối với sức khỏe răng miệng
Ngoài mùi hương dễ chịu thì bạc hà còn có đặc tính kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra mảng bám trên răng và giúp hơi thở thơm mát hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù trà bạc hà có thể hỗ trợ sức khỏe răng miệng, nhưng nó không thay thế cho việc đánh răng, dùng chỉ nha khoa và kiểm tra răng miệng thường xuyên.
+ Đặc tính kháng khuẩn và kháng virus
Mặc dù không có nghiên cứu nào đủ rộng xem xét về tác dụng kháng khuẩn của trà bạc hà nhưng tinh dầu bạc hà chứa menthol đã được chứng minh là có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli, Listeria và Salmonella, vi khuẩn tụ cầu và vi khuẩn gây viêm phổi, vi khuẩn gây bệnh răng miệng.
Tuy nhiên, trà bạc hà không nên được coi là phương pháp điều trị độc lập cho các bệnh nhiễm trùng. Điều cần nhớ là những đặc tính này của trà bạc hà có thể hỗ trợ hàng rào miễn dịch của cơ thể nhưng không thể thay thế cho phác đồ điều trị của bác sĩ.
+ Cải thiện giấc ngủ
Trà bạc hà là một lựa chọn lý tưởng để thư giãn cơ thể trước khi đi ngủ vì không chứa caffeine. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh sử dụng bạc hà giúp cải thiện giấc ngủ.
+ Sức khỏe nội tiết tố
Một lợi ích tiềm năng đáng ngạc nhiên của trà bạc hà lục (spearmint tea) là đặc tính chống androgen (androgen là các hormone như testosterone), có thể có lợi trong việc kiểm soát các tình trạng liên quan đến hormone như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), theo nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí Nghiên cứu Ovarian Research.
- Trà bạc hà có giảm cân không?
Trà bạc hà có thể là một loại thảo dược khác giúp kiểm soát cân nặng nhưng thông qua cơ chế khác với các loại "trà thực sự" ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất, như trà xanh và trà đen.
Trà bạc hà có thể giúp giảm cân chủ yếu bằng cách thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa và ức chế sự thèm ăn nhờ hợp chất menthol có trong bạc hà hoạt động như một chất thư giãn cơ tự nhiên, đặc biệt là ở đường tiêu hóa, giúp giảm đầy hơi và cải thiện tiêu hóa.
Hơn nữa, mùi hương sảng khoái, tươi mát của bạc hà đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ăn, từ đó có khả năng làm giảm lượng calo nạp vào. Và dù trà bạc hà không trực tiếp làm tăng quá trình trao đổi chất béo nhưng vai trò của nó trong việc tiêu hóa và kiểm soát sự thèm ăn khiến nó trở thành một thức uống bổ sung có lợi cho chế độ giảm cân nhẹ nhàng và không chứa calo.
2. Uống trà bạc hà mỗi ngày có được không?
Trà bạc hà có thể được thưởng thức theo nhiều cách khác nhau, từ uống trà nóng, trà bạc hà lạnh hoặc latte trà bạc hà hay thêm một số nguyên liệu để tăng hương vị và lợi ích bổ sung như mật ong, chanh tươi, quế, nhục đậu khấu,... Một số loại trà bạc hà bán sẵn trên thị trường có thể chứa thêm thành phần trà xanh chứa caffeine.
Cách pha trà bạc hà rất đơn giản, bạn có thể thực hiện tại nhà như sau:
- Chuẩn bị lá bạc hà tươi, rửa sạch và xé nhỏ/thái nhỏ.
- Đun sôi khoảng 2 cốc nước (khoảng 473 ml) rồi tắt bếp, cho lá bạc hà đã chuẩn bị vào. Sau đó đậy nắp và ủ trong nước khoảng 5 phút.
- Lọc bỏ bã lá bạc hà và thêm nguyên liệu khác tùy thích rồi uống.
Trà bạc hà có thể uống hàng ngày tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Hơn nữa do trà bạc hà không chứa caffeine nên bạn có thể uống vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên nếu cảm thấy các triệu chứng bất thường thì nên tạm dừng, xem xét lại lượng trà đã uống và thăm khám bác sĩ nếu cần thiết.
3. Tác dụng phụ của trà bạc hà
Menthol trong trà bạc hà có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy khó có thể hấp thụ lượng lớn menthol từ bạc hà thông qua pha trà nhưng đối với một số người nhạy cảm hay có các tình trạng sức khỏe nhất định cũng cần lưu ý, theo WebMD, bao gồm:
- Ợ nóng: Mặc dù bạc hà có thể giúp tiêu hóa thuận lợi và giảm đau dạ dày nhưng nó cũng có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược axit. Nếu bạn bị chứng khó tiêu do bệnh trào ngược dạ dày - thực quản bạn nên tránh sử dụng bạc hà.
- Tương tác thuốc: Bạc hà có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như cyclosporine, một loại thuốc được dùng cho bệnh nhân phẫu thuật ghép tạng; các loại thuốc được chuyển hóa ở gan hoặc thuốc có tác dụng giảm axit dạ dày.
Một số nghiên cứu cho thấy bạc hà có thể làm giảm lượng đường trong máu và huyết áp, vì vậy không nên dùng trà bạc hà cho những người đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc huyết áp.
- Sỏi thận: Bạc hà có thể giúp tăng cường chức năng thận, nhưng không được khuyến khích dùng cho những người bị sỏi thận.
- Mang thai: Nghiên cứu chưa tìm thấy bất kỳ tác hại nào từ việc phụ nữ mang thai uống trà bạc hà. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ trước khi uống đồ uống thảo dược này trong khi mang thai.
Nhìn chung là trà bạc hà là thức uống tốt cho sức khỏe. Nếu đang có các tình trạng bệnh lý đang điều trị theo đơn thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống trà bạc hà để đảm bảo an toàn.