Mưa to đến rất to gây nhiều thiệt hại tại phía Bắc

27/07/2018 - 21:50
Theo báo cáo nhanh ngày 27/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa to đến rất to xảy ra vào đêm ngày 25/7 và rạng sáng ngày 26/7 đã gây nhiều thiệt hại một số tỉnh phía Bắc.

Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai và Thái Nguyên, có 01 cháu nhỏ (04 tuổi) bị thương do sạt lở đất đá vào nhà tại xóm 13, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; 11 nhà bị đất đá sạt lở gây đổ tường (Văn Bàn - Lào Cai: 09 nhà, Đại Từ - Thái Nguyên: 02 nhà), 02 nhà bị tốc mái tại xã Tả Phời - thành phố Lào Cai; 04 nhà bị ngập nước dưới 01m tại xã Tân An - huyện Văn Bàn - Lào Cai; 38,6ha mạ và lúa mùa bị ngập úng cục bộ (Đại Từ - Thái Nguyên: 27ha, Văn Bàn - Lào Cai: 10,6ha, Bảo Yên - Lào Cai: 01ha); tuyến đường liên thôn thuộc xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị lũ cuốn gây sạt lở khoảng 80m, sâu 4m.

Ảnh minh họa

 

Theo tổng hợp từ các địa phương, tính đến 20h ngày 26/7/2018, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 78 sự cố, tăng 18 sự cố so với báo cáo ngày 25/7/2018 gồm: Hưng Yên tăng 02 sự cố: 01 sự cố rò nước tại khớp nối giữa bể xả và thân cống tại trạm bơm Nghi Xuyên, cánh cống lấy nước từ bể xả không khít kín; 01 sự cố sụt mái và phần đỉnh kè Thụy Lôi, đê tả Luộc. Hiện địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến các sự cố. 

 

Nam Định tăng thêm 05 sự cố (xảy ra từ ngày 22/7/2018): 01 sự cố sạt lở mái đê bối xã Yên Thành; 02 sự cố tràn bờ bao Yên Khang và thôn Ninh Mật, huyện Ý Yên; 02 sự cố sạt lở kè đê biển Hải Thịnh II và kè đê bối Yên Trị. 03 sự cố sạt lở mái đê và tràn bờ bao, địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu các sự cố, đối với 02 sự cố sạt lở mái kè, hiện địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.

 

Hà Nam tăng thêm 02 sự cố: 01 sự cố sạt lở chân cơ đê thượng lưu đê tả Đáy và 01 sự cố sạt lở kè Nguyên Lý đê hữu Hồng (cách chân đê khoảng 500-600m). Hiện địa phương đang tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.

 

Ninh Bình tăng thêm 07 sự cố: 05 sự cố sạt lở mái đê phía sông tại 05 đoạn đê tả, hữu sông Mới, địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu các sự cố; 02 sự cố sạt lở mái kè đê hữu Đáy và đê hữu Vạc, hiện địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. 

 

Thanh Hóa tăng thêm 01 sự cố sạt lở đất trên đỉnh kè Vĩnh Thành, đê tả Mã (sự cố phát triển thêm từ sự cố đã xảy ra những năm trước). Hiện địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.

 

Theo thông tin sáng 27/7 từ Chi cục Đê điều tỉnh Phú Thọ, chiều ngày 26/7 đã xảy ra sự cố sạt chân cơ kè Kinh Kệ - Bản Nguyên tại vị trí K83 850 ÷ K83 950 đê Tả Thao; cung sạt dài khoảng 100m, ăn sâu vào chân cơ kè (3-4)m và xuất hiện vết nứt phía trong mái kè. Hiện địa phương đang tổ chức xử lý giờ đầu và theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.

 

Về cảnh báo lũ, từ ngày 26-31/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện lũ, với đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao ở mức báo động 2 - báo động 3, thượng lưu sông Lô ở mức báo động 1 - báo động 2, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An lên mức báo động 1 - báo động 2, riêng sông Bưởi (Thanh Hóa) khả năng lên mức báo động 3.

 

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An.

 

Về tình hình động đất, theo thông báo động đất của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, hồi 05 giờ 24 phút 00 giây ngày 26/7/2018 (giờ Hà Nội) một trận động đất có độ lớn 3,5 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,67 vĩ độ Bắc, 108,032 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 4,7km. Động đất xảy ra tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi ảnh hưởng trận động đất này.

 

Để ứng phó với thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện số 22/TWPCTT hồi 18h00 ngày 26/7/2018 chỉ đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình mở thêm 01 cửa xả đáy vào 9h sáng 27/7/2018. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ và thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

 

Trong ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận được 05 bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi, Đăk lăk. Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng thường trực đã trực tiếp gọi điện đến tất cả các địa phương có liên quan để đôn đốc các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.

 

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tìm kiếm người mất tích, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn diện rộng và các hình thế thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm