Mùa Trung thu đặc biệt

Hải Yến
21/09/2021 - 07:00
Mùa Trung thu đặc biệt
Tạm gác những đêm dạo phố sắm sửa lồng đèn hay những lần "tất ta tất tưởi" chuẩn bị quà biếu người thân, Trung thu năm nay trở về đúng nghĩa với tên gọi "mùa đoàn viên". Đó là khi các thành viên trong gia đình dành trọn thời gian bên nhau, cùng tổ chức những hoạt động đón Trung thu tại nhà.
Xích lại gần nhau hơn

Đã trải qua gần nửa đời người với nhiều mùa Trung thu nhưng năm nay có lẽ là Trung thu đặc biệt nhất của ông Nguyễn Minh Chức (Hoàng Mai, Hà Nội) vì đây là quãng thời gian mà ông dành trọn cho gia đình. Ông Nguyễn Minh Chức kể: "Mọi năm, tôi cứ tất bật với công việc, trở về nhà khi các cháu nhỏ đã được bố mẹ chúng đưa đến các khu vui chơi. Nhà chỉ còn bà vợ ngồi đợi bên mâm cơm. Đâu đó cũng nhìn thấy miếng bánh Trung thu nhưng không có nhiều ý niệm về sự đoàn viên. Mọi thứ cứ nhàn nhạt trôi đi như thế".

Dịp giãn cách xã hội này cận kề đến Tết Trung thu nên ông Chức thấy nhớ lại mùa Trung thu xưa. "Dù bây giờ có nhiều loại bánh Trung thu nhưng tôi vẫn thích nhất là bánh thập cẩm. Cảm giác thật kỳ lạ khi có món bánh vừa thơm vừa ngọt lại vừa mặn. Lần đầu thấy thật khó ăn nhưng càng ăn càng thích. Năm nay tôi quyết trổ tài đãi cả gia đình món bánh Trung thu thập cẩm", ông Chức chia sẻ. Ông Chức thừa nhận, nếu không có những ngày giãn cách thế này, chắc chắn niềm yêu thích bánh Trung thu sẽ mãi chỉ trong tiềm thức của ông mà chẳng bao giờ ông nghĩ đến chuyện tự làm bánh trong dịp Tết Đoàn viên thế này.

Mùa Trung thu đặc biệt - Ảnh 1.

Các bé tự làm đồ chơi tại nhà

Cả tuần nay, cứ khi nào các con học xong bài là chị Phạm Huyền Trang (Q.Ba Đình, Hà Nội) lại lôi giấy, bìa cứng, hồ dán... để cùng các con làm đồ chơi cho Tết Trung thu. "Dịp này của những năm trước, mình sẽ đưa các con đi Hàng Mã sắm đồ chơi. Hai cô chị thì sắm búp bê, cậu em út chỉ thích ô tô chạy bằng pin", chị Trang kể. Năm nay vì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, không thể ra ngoài sắm đồ chơi cho các con, chị Trang bèn nghĩ ra cách tự làm đồ chơi. "Không ngờ là lũ trẻ nhà tôi lại thích thú đến như vậy, nào là làm đèn lồng, gấp thuyền giấy, mặt nạ công chúa Elsa...".

Lần đầu tiên ngồi làm đồ chơi cho con đón Trung thu khiến chị Trang bùi ngùi nhớ đến người cha quá cố của mình. "Cha tôi rất khéo tay. Những ngày này năm xưa, ông thường làm đồ chơi cho tôi và lũ trẻ cả xóm. Mỗi đứa có một cái đèn lồng. Rồi hôm phá cỗ, cha sẽ làm con chó bằng bưởi, chú hề bằng quả cam... Năm nay, tôi cũng sẽ tổ chức Trung thu cho các con giống như cha tôi từng tổ chức cho tôi, có đèn lồng tự làm, có chó bằng quả bưởi, có chú hề bằng quả cam. Chắc chắn là các con tôi sẽ rất thích!", chị Trang cho biết.

Còn bà Bùi Thị Hoà (Q.Tây Hồ, Hà Nội) thì đang tận dụng những chiếc đèn ông sao từ những năm trước để cùng các cháu trang trí phòng khách, đèn dây lấp lánh và một chiếc bàn nhỏ ngoài ban công để cả nhà quây quần ăn bánh, uống trà, ngắm trăng. "Những năm gần đây, cứ đêm Trung Thu là các cháu nhỏ nhà tôi đến khu vui chơi để dự Lễ hội Trăng rằm. Nhà chỉ còn hai ông bà già ngồi... trông Trăng. Năm nay sẽ rất vui đây, cả nhà cùng xích lại gần nhau hơn. Tôi đã chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đầy đủ để cùng các cháu phá cỗ rồi", bà Hoà cho biết.

Mùa Trung thu đặc biệt - Ảnh 2.

Bé tự làm đồ chơi tại nhà

Chia sẻ niềm vui, kết nối bạn bè online

Những ngày qua, bé Long Vũ (ở phố Kim Hoa, Hà Nội) cũng đang miệt mài luyện piano để gửi đến các bạn học sinh trường mình một bản nhạc Đêm hội trăng rằm. Như thông lệ mọi năm, Trung thu sẽ là dịp trẻ em được hoà mình vào các hoạt động vui chơi do nhà trường, tổ dân phố... tổ chức. Nhưng năm nay, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mọi hoạt động vui Tết Trung thu đều không để diễn ra trực tiếp. Vì thế, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội quyết định tổ chức Trung Thu online. Đơn cử như trường Tiểu học Phương Liên đã phổ biến cuộc thi "Trung thu em hát", lựa chọn những tác phẩm phù hợp tạo nên khúc hoà ca phát sóng trên Fanpage của trường vào đêm Trung thu. 

"Trẻ em luôn cần niềm vui sống giữa bè bạn và gia đình. Dịch Covid-19 làm các em phải xa trường lớp, nhiều em phải vượt qua bệnh tật tại khu cách ly... Nỗi nhớ lớp học, thầy cô, bạn bè, mái trường luôn thường trực với các em nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định tổ chức đêm Trung thu online để các em cùng ca hát, cùng ngắm Trăng và phá cỗ dù chỉ là được nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính", cô giáo Bùi Hoàng Ninh (Hà Nội) cho biết.

"Năm lịch sử" của thị trường bánh Trung thu

Nếu như mọi năm, đây là thời điểm người dân xếp hàng dài, chen nhau mua bằng được vài hộp bánh nướng, bánh dẻo thương hiệu nổi tiếng thì năm nay, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Theo khảo sát của phóng viên, ngoài những thương hiệu bánh Trung thu truyền thống, nhiều thương hiệu đã chọn cách dừng sản xuất khi lượng mua giảm mạnh. 

Ông Kao Siêu Lực, chủ chuỗi bánh ABC Bakery, cho biết, năm nay công ty không sản xuất bánh Trung thu. Theo ông, do dịch bệnh phức tạp, lượng mua giảm, hơn nữa, nhân viên phải thực hiện cách ly y tế, các cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động nên sản xuất thời điểm này là thất bại. "Chưa kể, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hạn hẹp. Người lao động đang chật vật lo từng bữa ăn nên việc mua bánh Trung thu khá xa xỉ", ông Lực nói.

Mùa Trung thu đặc biệt - Ảnh 3.

Quầy bánh Trung thu được bày trang trọng trong siêu thị. Ảnh: TTXVN

Tập đoàn Kido cũng cho biết, với bối cảnh hiện này, công ty đã quyết định đặt sức khoẻ người tiêu dùng lên hàng đầu nên không sản xuất bánh Trung thu cho mùa này.

Mùa Trung Thu này, người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn nên lượng bánh tiêu thụ giảm đáng kể. Chị Linh Nga, chủ một tiệm bánh Trung thu trên phố Xã Đàn (Hà Nội) cho biết, nếu mọi năm, người dân đến mua bánh phải chọn 2-3 hộp thì năm nay mỗi người đến chỉ chọn 1 hộp về để thắp hương. Không còn thấy người ta mua bánh để mang biếu nữa. Doanh thu của cửa hàng chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, người dân cũng chuyển sang hình thức đặt bánh, mua hàng online nhiều hơn là trực tiếp đến cửa hàng chọn bánh. Mới đây, cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương (Thuỵ Khuê, Hà Nội) do có nhiều người đến mua hàng, không đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, ngay lập tức, quận Tây Hồ đã chỉ đạo phường Thụy Khuê yêu cầu cửa hàng tạm thời đóng cửa. "Trước mắt, phường cử lực lượng công an chốt trực tại đây. Cửa hàng phải đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch mới được tiếp tục mở bán", lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm