Mức phạt nào cho thầy 'dạy' trò bằng bạo lực

07/03/2017 - 06:00
Giáo viên tát, véo tai, dùng sách vở đánh vào mặt học sinh… liên tục được dư luận phanh phui thời gian gần đây khiến không ít phụ huynh rùng mình. Cha mẹ học sinh thậm chí phẫn nộ hơn khi mức phạt dành cho những giáo viên này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Khiển trách là quá nhẹ!

Sau vụ thầy giáo và học sinh đánh nhau trong lớp học ở Hậu Giang gây xôn xao dư luận vào tháng 2, thầy giáo này chỉ nhận mức kỷ luật khiển trách do “xử lý tình huống không đúng, ảnh hưởng đạo đức nghề nghiệp”.

Mới đây nhất tại Nam Định, chỉ vì nhìn thấy nữ sinh lớp 8 không mặc đồng phục, một thầy giáo thể dục kiêm Tổng Phụ trách đội đã thẳng tay xoắn tai, tát 2 cái vào gáy rồi túm cổ em này dẫn lên phòng hiệu trưởng.

Sự việc đang được nhà trường điều tra làm rõ, nhưng có dấu hiệu trường cố tình chây ỳ không muốn sớm làm rõ sự thật.

 Thầy giáo ở Hậu Giang đánh trò gây bức xúc dư luận lại chỉ bị nhận mức phạt quá nhẹ. Ảnh cắt từ clip.

Nhiều phụ huynh cho rằng, hành vi bạo hành học sinh của thầy giáo là không thể chấp nhận, những giáo viên này không đủ tư cách đứng trên bục giảng.

Chị Trần Huệ Nhiên (Q. Hà Đông, Hà Nội), bức xúc: “Học trò quên mang đồng phục có gây ra tội nặng đến mức thầy thượng cẳng chân hạ cẳng tay dã man như thế, trong khi đây lại là một nữ sinh? Những vụ này nếu không đình chỉ việc dạy học của thầy, tôi e là khó đủ sức răn đe!”.

Không hài lòng với quyết định kỷ luật khiển trách thầy giáo đánh học trò ở Hậu Giang, anh Bùi Tất Thắng (Q. Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, mức phạt này quá nhẹ. “Nếu chỉ đơn thuần khiển trách, có dám chắc rằng thầy sẽ không lặp lại hành vi bạo hành học sinh, trái với đạo lý làm thầy hay không?”- anh đặt vấn đề.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Lê Thiên (Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê và liên danh) cho rằng, hành vi giáo viên dùng vũ lực để “dạy dỗ” học sinh không chỉ vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà còn vi phạm các quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật liên quan.

“Tùy theo động cơ, mục đích, mức độ nghiêm trọng và hậu quả để lại, người có hành vi bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”- Luật sư Lê Thiên nhấn mạnh.

Ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:

Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Trong trường hợp giáo viên dùng vũ lực đánh học sinh khiến em đó bị chấn thương đã có yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự. Cụ thể, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu hành vi đối xử tàn ác này gây thương tích cho người bị hành hạ thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm