pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu? Cách trị mụn tuổi dậy thì
Mụn trứng cá là vấn đề mà hầu hết các bạn trẻ đều gặp phải khi đến lứa tuổi dậy thì. Mọc mụn không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn có thể khiến các bạn trẻ mất tự tin vào ngoại hình bản thân. Vì thế, câu hỏi mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu và cách trị mụn tuổi dậy thì luôn là chủ đề rất được quan tâm.
1. Mụn tuổi dậy thì do đâu?
Mụn trứng cá về bản chất chính là một dạng bệnh da liễu. Nó xảy ra khi các lỗ chân lông ở trên bề mặt da bị bít tắc bởi bã nhờn, tế bào chết,... Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nên tình trạng viêm và khiến mụn trứng cá xuất hiện. Do đó, các vị trí hay xuất hiện mụn trứng cá nhất thường là những vùng da chứa nhiều tuyến bã như mặt, vai, lưng, ngực.
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có khả năng bị mụn trứng cá. Tuy nhiên tuổi dậy thì thường là giai đoạn bị ảnh hưởng nhiều và tương đối nặng nề bởi tình trạng này hơn hẳn.
Nguyên nhân của việc mụn trứng cá gây ảnh hưởng nhiều đến các bạn trẻ trong lứa tuổi dậy thì được cho là bởi sự biến động hormone của cơ thể khi ở giai đoạn này. Theo đó, khi bước vào lứa tuổi dậy thì thì tuyến sinh dục sẽ tăng tiết các loại hormone giới tính, chẳng hạn như testosterol ở nam hoặc estrogen ở nữ,...
Tùy thuộc vào các bộ phận khác nhau trên cơ thể mà cũng sẽ có sự đáp ứng không đồng nhất với sự tăng tiết hormone này, trong đó da thường phản ứng lại bằng cách tăng tiết bã nhờn. Chính điều này làm cho bã nhờn được sản xuất nhiều hơn, lỗ chân lông dễ bị bít tắc hơn. Vì thế nên lứa tuổi dậy thì là giai đoạn dễ dàng bị mụn tấn công.
Đọc thêm:
Tại sao ngực không phát triển ở tuổi dậy thì?
Các bước skincare chuẩn cho mọi loại da chị em cần biết
Ngoài nguyên nhân do sự biến động hormone như đã nói ở trên, mụn ở tuổi dậy thì còn có thể bị thúc đẩy do một số yếu tố khác. Những yếu tố này có thể kể đến như vệ sinh cơ thể không đúng cách, do tác dụng phụ của thuốc, do sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, áp lực và căng thẳng quá mức, môi trường ô nhiễm,...
2. Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu?
Như đã nói, mụn tuổi dậy thì thực sự gây nên nhiều vấn đề cho các bạn trẻ như mất tự tin, khó chịu, đau nhức,... Nhưng để có thể đưa ra con số chính xác cho câu hỏi mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu thì là điều không dễ.
Trong hầu hết các trường hợp thì mụn tuổi dậy thì sẽ dần tự biến mất khi bạn trẻ kết thúc giai đoạn dậy thì. Nguyên nhân là do cơ chế chủ yếu gây nên mụn tuổi dậy thì là bởi sự biến động về nồng độ hormone sinh dục làm tuyến bã tăng tiết. Nên khi giai đoạn dậy thì dần kết thúc, nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể sẽ ổn định trở lại, khiến hoạt động của tuyến bã cũng được điều hòa. Do đó, tình trạng mọc mụn sẽ ngày càng giảm dần.
Tuy nhiên, việc chấm dứt tình trạng mụn tuổi dậy thì ngoài sự phụ thuộc vào sự ổn định nồng độ hormone theo thời gian thì còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Có thể kể đến như yếu tố cơ địa, độ nặng của tình trạng mọc mụn, loại mụn gặp phải,...
Chẳng hạn, nếu bạn trẻ chỉ bị mụn ở mức độ nhẹ, thì mụn có thể sẽ tự hết và trả lại làn da đẹp như ban đầu. Nhưng nếu bị mụn ở mức độ nặng thì mụn thường bị kéo dài và việc mụn tự hết sẽ rất khó khăn, mà thường sẽ cần đến các hỗ trợ thích hợp để điều trị mụn. Thậm chí theo thống kê ghi nhận, có đến khoảng 30% số trường hợp bị mụn không thể tự hết sau khi kết thúc giai đoạn dậy thì.
3. Cách trị mụn tuổi dậy thì
3.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn
Chế độ sinh hoạt gồm dinh dưỡng, chăm sóc da, bảo vệ làn da,... đều có ảnh hưởng lớn đến tình trạng xuất hiện mụn ở tuổi dậy thì. Do đó, một chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn chính là bước cơ bản cần phải làm để điều trị mụn ở tuổi dậy thì.
- Chế độ dinh dưỡng cần chứa đầy đủ các nhóm dưỡng chất khác nhau bao gồm chất đạm, chất béo, đường bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ưu tiên sử dụng nhiều các loại thức phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất để giúp làn da khỏe mạnh hơn. Đồng thời hạn chế sử dụng các loại thức ăn cay nóng, thức ăn chiên xào,...
- Vệ sinh da đúng cách: Vệ sinh da đúng cách bằng việc rửa mặt sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trên bề mặt da. Tuy nhiên, quá trình rửa mặt nên diễn ra nhẹ nhàng và không quá 2 lần/ ngày để tránh làm tổn thương da. Không tùy ý chạm tay lên mặt khi tay chưa được rửa sạch.
- Sử dụng mỹ phẩm phù hợp với tính chất da. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia da liễu trước khi sử dụng.
- Có biện pháp bảo vệ da khi phải tiếp xúc với các môi trường bất lợi như nắng nóng, khói bụi,... bằng cách đeo khẩu trang, sử dụng mũ nón.
- Nặn mụn không đúng cách có thể làm tổn thương da nặng hơn. Do đó không nên tự ý nặn mụn.
3.2. Điều trị y tế thực thụ
Khi các biện pháp thay đổi lối sống là không đủ để giúp giảm bớt tình trạng mụn ở tuổi dậy thì thì các biện pháp can thiệp y tế thực thụ là cần thiết.
Với các trường hợp nhẹ thì các loại thuốc thường được sử dụng là những thuốc trị mụn bôi ngoài da như kem chứa axit salicylic, kem chứa benzoyl peroxide,...
Nhưng với các trường hợp bị mụn nặng nề hơn thì các bác sĩ có thể xem xét chỉ định bệnh nhân sử dụng benzoyl peroxide, bôi kháng sinh, bôi retinoid,... Hoặc thậm chí là cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh hoặc retinoid đường uống nếu thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, do các phương pháp điều trị y tế thực thụ bằng thuốc thường đi kèm với các tác dụng phụ khác nhau. Do đó chúng phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa sau khi đã thực hiện thăm khám đầy đủ.
Trên đây là giải đáp sơ lược cho vấn đề mụn tuổi dậy thì bao lâu thì hết cùng với cách trị mụn tuổi dậy thì. Nếu còn có thêm các thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải thích đầy đủ hơn.