Muốn con có tinh thần tự giác đọc sách từ khi còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần dành 10 phút mỗi tối để làm việc này cùng con là đủ

Raiz
12/06/2020 - 17:12
Muốn con có tinh thần tự giác đọc sách từ khi còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần dành 10 phút mỗi tối để làm việc này cùng con là đủ
Bí kíp được chuyên gia gợi ý nhằm giúp bố mẹ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Mặc dù phụ huynh nào cũng mong mỏi con có thể say mê, tự giác đọc sách mà không cần bố mẹ đốc thúc, giục giã. Thế nhưng trẻ nhỏ thường tập trung không quá 5 phút với cuốn sách, không thể ngồi yên để nghe hết câu chuyện hay thậm chí có thể giật sách và ném đi. 

Hiểu được điều này, những cô thủ thư tại các thư viện nổi tiếng của Mỹ đã mang đến một phương pháp đơn giản giúp bố mẹ biến giờ đọc sách trở nên thú vị và đầy hào hứng với bất kỳ cuốn sách nào.

Muốn con có tinh thần tự giác đọc sách từ khi còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần dành 10 phút mỗi tối để làm việc này cùng con là đủ - Ảnh 1.

Những cuộc trò chuyện thú vị về nội dung sách sẽ giúp con say mê đọc sách nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Bản thân trẻ nhỏ rất dễ bị sao nhãng nếu việc đọc sách không thú vị bằng các hoạt động bên ngoài hay các thiết bị điện tử xung quanh. Thay vì bắt trẻ ngồi im nghe đọc sách, bố mẹ nên tạo ra hứng thú cho trẻ với cuốn sách bằng những câu hỏi gợi mở để cùng con trò chuyện nhằm thu hút sự tập trung của con với cuốn sách. 

Những cuộc trò chuyện này chỉ thực hiện trong khoảng 10 phút vào khoảng thời gian trước giờ đi ngủ. Bởi đây là lúc mà trẻ cảm thấy an toàn và dễ chịu, tạm dừng những thiết bị điện tử, bố mẹ để bản thân cảm thấy thoải mái nhất và cùng con bắt đầu những cuộc trò chuyện thú vị nhất với cuốn sách trong tay.

Dưới đây là những câu hỏi gợi mở mà bố mẹ có thể dễ dàng thử ngay trong giờ đọc sách cho trẻ tối nay.

1. Trước khi đọc

Bố mẹ hãy để trẻ được lựa chọn cuốn sách mà trẻ muốn đọc, dù đó là cuốn sách được đọc đi đọc lại rất nhiều lần, vì đó là một dấu hiệu cho thấy trẻ thực sự say mê đọc sách. 

Muốn con có tinh thần tự giác đọc sách từ khi còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần dành 10 phút mỗi tối để làm việc này cùng con là đủ - Ảnh 2.

Bố mẹ nên để con được tự chọn lựa cuốn sách mà con muốn đọc. (Ảnh minh họa)

Sau khi chọn được cuốn sách mà trẻ muốn đọc, bố mẹ hãy bắt đầu với một vài câu hỏi gợi ý dưới đây: 

- Tại sao con lại chọn cuốn sách này nhỉ? 

- Con thích màu bìa sách hay thích bạn nhân vật chính này thế? 

- Con thích màu/nhân vật này vì sao nhỉ?

- Bố mẹ đã đọc tên sách cho con nghe rồi, con nhìn bìa sách nữa kìa, con nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong cuốn sách này? 

- Con nghĩ những nhân vật nào có thể xuất hiện trong cuốn sách này?  

- Con có đoán ra được chuyện gì sẽ xảy ra với những nhân vật ấy không?  

- Con nghĩ đâu là nhân vật chính của cuốn sách?  

- Nhìn nhân vật chính này có giống ai trong nhà mình hay người quen của chúng ta không nhỉ? 

- Con có có nghĩ cuốn sách này sẽ giống như cuốn sách hôm trước mẹ đã đọc cho con không?

Sau khi nhận thấy con bắt đầu háo hức được khám phá cuốn sách, bố mẹ có thể bắt đầu đọc sách cùng trẻ, nên giữ giọng đọc vừa phải, nhấn nhá một chút cho phù hợp với tiết tấu của câu chuyện.

2. Trong khi đọc

Đây là lúc mà bố mẹ đã dẫn dắt trẻ bắt đầu vào cuốn sách. Vẫn sử dụng giọng đọc rõ ràng, tông giọng vừa phải có nhấn nhá để thu hút con vào câu chuyện. 

Giữa một trang hoặc vài trang sách hãy tìm một quãng nghỉ nhỏ và hỏi con một vài câu dưới đây:

- Con có nhớ vì sao bạn nhân vật này lại gặp phải tình huống như bây giờ không?  

- Con đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?   

- Con nghĩ câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào? 

- Con nghĩ xem vì sao nhân vật này lại làm thế?  

- Con sẽ làm gì nếu là nhân vật ấy?  

- Khi là nhân vật chính thì con cảm thấy thế nào?  

- Con có thích kết thúc câu chuyện mẹ vừa kể không?

Những câu hỏi này giúp khơi gợi sự tò mò khám phá của trẻ đối với tình tiết của câu chuyện cũng như các nhân vật trong cuốn sách mà bố mẹ đang đọc. Ngoài ra những câu hỏi gợi mở cũng giúp con tăng khả năng ghi nhớ, sự tư duy logic, khả năng liên tưởng khi nghe đọc sách. Điều này sẽ vừa cải thiện vốn từ vựng vừa giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của con.

 3. Sau khi đọc

Lúc này bố mẹ nên kết thúc giờ đọc sách cho trẻ một cách ngọt ngào mà không làm trẻ cụt hứng. Những câu hỏi dưới đây giúp đúc kết lại bài học của câu truyện cũng như giúp trẻ sáng tạo thêm cho câu truyện theo cách riêng của mình. Từ đó kích thích chúng suy nghĩ tìm tòi nhiều hơn. 

- Con có thích tên sách như thế này không? 

- Nếu là con thì con sẽ đặt tên sách là gì? 

- Cuốn sách này có khác những cuốn sách con đã đọc không? 

- Có một vấn đề rất lớn với nhân vật chính và bạn ấy đã giải quyết như nào nhỉ? 

- Con có đồng ý với cách giải quyết đó không?  

- Con thích nhất đoạn nào trong cuốn sách này?  

- Nếu con được thay đổi một phần của câu chuyện, con sẽ thay đổi điều gì? 

- Nếu con được hỏi tác giả một câu hỏi, con sẽ hỏi gì? 

- Con có thể kể lại câu chuyện theo thứ tự không (sử dụng ngón tay và các từ như: thứ nhất, thứ hai, sau đó, tiếp theo, ...) 

- Cuối cùng thì bạn nhân vật chính cũng hiểu ra một điều rất quan trọng, con có biết đó là điều gì không?

Muốn con có tinh thần tự giác đọc sách từ khi còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần dành 10 phút mỗi tối để làm việc này cùng con là đủ - Ảnh 4.

Những cuộc trò chuyện thú vị về nội dung sách sẽ giúp con say mê đọc sách nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Nếu con vẫn chưa muốn đi ngủ sau khi trả lời những câu hỏi trên, bố mẹ có thể cho con chơi một vài hoạt động thú vị sau: 

Cho trẻ diễn một cảnh trong cuốn sách, vẽ cho bố mẹ một bức tranh về nhân vật hay cảnh vật trong sách mà trẻ yêu thích để trang trí tủ lạnh hoặc tự tưởng tượng phần tiếp theo của cuốn sách. Trẻ có thể giả vờ rằng mình là một nhà phê bình sách đang xem xét cuốn sách trên TV, hoặc trẻ có thể viết một bức thư cho tác giả.

Có rất nhiều cách sáng tạo để thu hút trẻ vào giờ đọc sách mỗi ngày, điều quan trọng là bố mẹ hãy trở thành người cùng chia sẻ những giờ đọc sách cho trẻ thú vị đó. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm