Muốn con nghe lời, cần vài ‘nguyên tắc’

27/05/2016 - 05:00
Trẻ không nghe lời không hẳn là khó chịu hay có ý chống đối bố mẹ.
day-con-nghe-loi-2.jpg
  1. Không tùy ý làm phiền trẻ

Mỗi lần gọi con bố mẹ nên quan sát xem bé đang làm gì, không nên tùy ý làm gián đoạn hoạt động của con, vì nhiều khi bé quá chăm chú vào một việc nào đó sẽ không nghe thấy bố mẹ nói gì, càng không thể làm theo lời bố mẹ. Lúc này muốn trao đổi với con, bố mẹ hãy tìm cách gây sự chú ý của bé, chờ đến khi bé dừng việc đang làm và nhìn mình bố mẹ hẵn nói chuyện.

  1. Bớt nói dai, nói nhiều

Nói quá nhiều vô tình biến tiếng nói của mình trở thành “tạp âm” khiến người khác không thoải mái. Bình thường bố mẹ nói vừa đủ nội dung cần truyền đạt đến con, không nên nói đi nói lại nhiều lần khiến trẻ nghe sẽ thấy “nhàm”, và khiến lời nói không thể tác động đến trẻ một cách hiệu quả.

  1. Hướng dẫn trẻ làm việc một cách cụ thể, tránh gây cảm giác tiêu cực

Khi bố mẹ yêu cầu con làm một việc gì, nếu bé chưa quen thì cần hướng hẫn cụ thể nên làm như thế nào. Ví dụ khi yêu cầu bé tự dọn dẹp góc học tập của mình, bố mẹ không nên chỉ nói: “Con cần dọn sạch sẽ gọn gàng một chút!”, mà hãy chỉ dẫn cụ thể: “Trước tiên con thu dọn và sắp xếp lại đồ trên mặt bàn, sau đó dùng khăn lau sạch toàn bộ.” Khi bé không biết cách làm thế nào cho đúng, cho vừa ý bố mẹ sẽ cảm thấy căng thẳng. Nếu lúc này bố mẹ có lời phàn nàn, trách móc sẽ càng tăng thêm cảm giác tiêu cực trong bé, bé sẽ có tâm lý phản kháng, từ đó không sẵn lòng làm những gì bố mẹ yêu cầu.

  1. Trẻ nhắc lại lời bố mẹ vừa dặn

Đôi lúc, sau khi yêu cầu hay dặn dò con việc gì bố mẹ nên để con tự nhắc lại một lần để chắc rằng bé đã nghe và hiểu lời bố mẹ. Thông thường trẻ không nghe lời bố mẹ không phải vì không bằng lòng hay có ý định chống đối, chỉ là trẻ còn nhỏ, khả năng nhận thức bằng thính giác còn tương đối yếu, não bộ của bé chưa thể xử lý tốt các thông tin nghe được, do đó chưa kịp hiểu hoặc ghi nhớ lời nói của bố mẹ.

  1. Không giục giã trẻ

Đôi khi bố mẹ hô “Một, hai, ba!” sẽ có tác dụng thúc đẩy trẻ nhanh chóng thực hiện theo lời mình, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng “linh nghiệm”. Ai cũng có lúc ở trong trạng thái chưa thực sẵn sàng, khi bé chưa có dấu hiệu nghe theo lời bố mẹ hoặc bỗng dưng ngừng làm việc bố yêu cầu, cần xem lý do gì khiến bé có biểu hiện không tích cực. Bố mẹ có thể hỏi chuyện, nói chuyện với con và tìm cách cải thiện tình hình.

  1. Dạy trẻ đặt mình vào vị trí của người khác
Nếu cần thiết bố mẹ hãy dạy con biết thông cảm với người khác. Hãy đặt tình huống cho bé: “Khi con gọi mẹ, mẹ không đáp lại con có thấy buồn không?”, “Khi con nói với bạn đừng ném đồ chơi mà bạn vẫn ném con có giận không?”... Sau đó bố mẹ nói với bé rằng, đổi lại những lúc bé không đáp lời, không vâng lời sẽ khiến bố mẹ buồn, giận. Đồng thời dạy bé, trả lời người khác là một phép lịch sự cơ bản, thể hiện sự tôn trọng với người đó, khi bé tôn trọng người khác, người khác cũng sẽ tôn trọng bé.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm