Đó là ông Lê Văn Chín, 51 tuổi. Nói “bán trăng” là nói vui, chứ thật ra ông Chín làm và bán những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy, có hình dạng bán nguyệt. Ông đặt tên là “thuyền trăng Hàn Mặc Tử” để tưởng nhớ đến người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh từng sinh sống tại làng phong này.
Năm 1981, khi mới 13 tuổi, cậu thiếu niên ở miền biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) phát hiện tay chân của mình mất cảm giác, kim châm vào không đau, sau đó là những cục cứng xuất hiện trên cơ thể. Biết con mình mắc bệnh phong nên gia đình đã đưa ông Chín ra Quy Hòa để điều trị. 4 năm sau, ông khỏi bệnh rồi xin ở lại nơi này sinh sống. Đến năm 1988, ông Chín nên duyên vợ chồng với bà Võ Thị Thủy. Bà Thủy là người ở phường Ghềnh Ráng, không mắc bệnh phong nhưng thương ông tốt bụng, chịu thương chịu khó nên kết nghĩa trăm năm.
Ở làng phong Quy Hoà, ông Chín vừa làm những chiếc thuyền bằng nan tre để bán cho bà con ở đây đi đánh bắt hải sản ven bờ, vừa trực tiếp ra biển đánh bắt để lo cho các con ăn học. Tuy nhiên, thuyền làm bằng nan tre mỗi năm phải trét dầu rái 2 lần mới tiếp tục sử dụng và tuổi thọ cũng chỉ từ 3 - 4 năm. Việc di chuyển thuyền cũng khó khăn, bởi thuyền nặng vì nan tre nhiều và lượng dầu rái trét lên cũng rất nhiều. Vậy nên 6 năm trước, ông bắt đầu mày mò làm chiếc thuyền với nguyên liệu chính là thùng phuy để làm phương tiện cho mình đánh bắt.
“Tôi nghĩ thầm trong bụng, mình làm xong rồi sử dụng, nếu hiệu quả thì làm bán cho bà con. Ai ngờ nó hiệu quả hơn tôi tưởng nên tôi bắt đầu làm bán cho bà con. Tôi nghiên cứu làm ra 3 kiểu thuyền, gồm: thuyền nhọn, thuyền nôi, thuyền nôi mũi cao. Loại nào cũng dài 4m, rộng 1,2m. Mỗi chiếc tốn hết 7 thùng phuy loại 200 lít cùng với một số nguyên liệu phụ như cước, ốc vít, tre… Hiện tại, chi phí để hoàn thành mỗi chiếc thuyền khoảng 4 triệu đồng, tôi bán ra với giá 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ai đặt tôi mới làm, không thì thôi. Từ ngày chuyển sang làm thuyền bằng thùng phuy, tôi bán khoảng 50 chiếc. Ngoài bà con ở làng phong, còn có một số ngư dân ở Khánh Hòa, Phú Yên cũng đến đặt làm”, ông Chín cho biết.
Ông Chín bảo, hiệu quả của thuyền làm bằng thùng phuy so với thuyền làm bằng nan tre là làm xong sử dụng một lần chứ không cần trét dầu rái; nhẹ và bởi chất nhựa có độ trơn nên thuận tiện đẩy trên cát để di chuyển; sóng đánh không hư hỏng; rộng rãi, độ chông chênh ít hơn; gắn được động cơ nên đỡ tốn sức chèo so với thuyền làm bằng nan tre. “Chiếc thuyền đầu tiên tôi sử dụng đã 6 năm mà không hề hấn gì. Tôi chắc chắn tuổi thọ của thuyền làm bằng thùng phuy phải trên 10 năm”, ông Chín cho biết.
Phố biển Quy Nhơn đang trên đà phát triển du lịch, trong đó có làng phong Quy Hòa. Vậy nên, ông Chín hy vọng những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy của mình không chỉ giúp bà con làng phong thuận tiện hơn trong việc đánh bắt hải sản ven bờ, mà còn có thể tham gia phục vụ du lịch. “Nếu những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy có thể tham gia chở khách du lịch tham quan biển Quy Nhơn thì con em bệnh nhân phong sẽ có công ăn việc làm. Như vậy, điều kiện kinh tế được nâng lên, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn”, ông Chín tâm sự.