Theo đó, kế hoạch năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của NHCSXH so với năm 2018 là 8%, tương ứng khoảng 13.211 tỷ đồng.
Như vậy, cùng với nguồn vốn cấp của các chương trình tín dụng từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt khoảng 16.200 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đến 31/12/2019 đạt khoảng 204.000 tỷ đồng.
Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so năm 2017; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 11.809 tỷ đồng, tăng 2.764 tỷ đồng so với năm 2017 - mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng ( 9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn; trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.
Với màng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách hiệu quả. Trong cuộc làm việc mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ngân hàng này, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương NHCSXH đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, đúng với mong mỏi của nhân dân. Điều này đã được thể hiện qua số người vay vốn đúng đối tượng và giúp cho hàng vạn người có việc làm, hàng triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo được vay vốn, nợ quá hạn ở mức rất thấp... Đặc biệt, hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng hệ thống NHCSXH cho vay, giám sát, giúp vốn vay đạt được hiệu quả cao.
Thủ tướng nêu rõ, mô hình hoạt động của NHCSXH được thực tế chứng minh là phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta, không những về hiệu quả kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng vốn mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn.
Sau 16 năm hoạt động, NHCSXH đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 568 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn nhà phòng tránh bão lụt cho các tỉnh miền Trung; trên 118 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...