Năm 2030 sẽ có hơn 100 triệu trẻ trên thế giới không có khai sinh

Nhu Thụy
25/04/2022 - 17:11
Năm 2030 sẽ có hơn 100 triệu trẻ trên thế giới không có khai sinh

Mọi trẻ em cần được cấp giấy khai sinh

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), một nửa số trẻ em châu Phi vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Ước tính, sẽ có hơn 100 triệu trẻ em không được đăng ký khai sinh trên toàn thế giới vào năm 2030 nếu không có các giải pháp thiết thực. số trẻ em này sẽ lớn lên một cách “vô hình” do không được chính quyền thừa nhận về mặt pháp lý.

Không có quyền cơ bản của con người

Batul Juma Kisaka là một bà mẹ 4 con sống ở Nairobi (Kenya). Giống như nhiều người khác trong cộng đồng người Nubian của bà, Batul lớn lên và sống mà không có thẻ căn cước, một giấy tờ cần thiết để được công nhận quyền công dân. Không có thẻ căn cước, Batul không thể đăng ký khai sinh cho các con của mình. 

Vì không có giấy khai sinh, con cái của bà phải đối mặt với cuộc sống khó khăn khi đi học, kiếm việc làm, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký số điện thoại di động hoặc thi bằng lái xe. Họ không thể được hưởng lợi từ hệ thống bảo hiểm y tế cũng như không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Mặc dù cư trú tại đất nước mà cha mẹ và ông bà đã sinh ra, Batul và các con không tồn tại hợp pháp cho đến khi họ nhận được sự hỗ trợ pháp lý của Namati, một mạng lưới trao quyền hợp pháp hoạt động ở Kenya. Tổ chức này đã giúp Batul thực hiện các thủ tục để thiết lập danh tính pháp lý của mình.

Còn bà Edith (50 tuổi) ở gần Kuilsriver, Cape Town, Nam Phi, có 2 con, một đứa 11 tuổi và một đứa 14 tuổi. Hai đứa trẻ chưa được đến trường vì chúng không có giấy khai sinh. Bà cho biết: "Vì không có giấy tờ tuỳ thân, tôi không thể đăng ký giấy khai sinh cho các con. Tương lai của các con tôi bị hủy hoại. Tôi không thể đăng ký trường học cho chúng cũng không được trợ cấp. Tôi chỉ có thể làm những công việc đơn giản mà mọi người trả tiền mặt".

Các em được đi học khi có giấy tờ hợp pháp

Các em được đi học khi có giấy tờ hợp pháp

Đăng ký khai sinh được Liên hợp quốc xem là một quyền cơ bản của con người vì những người chưa được đăng ký khai sinh sẽ không tồn tại trong hệ thống dữ liệu của các chính phủ. Điều này khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính của nhà nước, từ đó có nguy cơ bị nghèo đói, bị gạt sang bên lề xã hội như con cái của bà Batul. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), một nửa số trẻ em châu Phi vẫn chưa được đăng ký giấy khai sinh. 

Riêng khu vực Đông Phi, có khoảng 38 triệu em sống mà không có giấy khai sinh. Các em không thể tiếp cận được các quyền cơ bản của con người khi lớn lên, trong đó có quyền tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội. Chúng cũng thường xuyên phải chịu sự phân biệt đối xử. Do không thể chứng minh được nhân thân, tuổi tác, những đứa trẻ này có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức hoặc buôn bán trẻ em, tảo hôn. Nếu không may trẻ bị thất lạc do thiên tai, xung đột hoặc là nạn nhân của tình trạng bóc lột lao động thì rất khó khăn để đoàn tụ gia đình do thiếu các giấy tờ chính thức.

Khẩn trương hành động

UNICEF không ngừng kêu gọi chính phủ các nước cần phải hành động phù hợp với Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. Trong đó có việc đảm bảo quyền được cung cấp danh tính hợp pháp cho mọi người dân, bao gồm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Để đạt được mục tiêu này, gần 1/3 số nước cần phải gấp rút hành động vì có 1/3 số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới đang sinh sống tại các nước này.

Theo UNICEF, sự thiếu hiểu biết về quy trình đăng ký khai sinh và mức phí đăng ký vượt tầm chi trả là 2 trong nhiều nguyên nhân khiến trẻ không được đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, các phong tục, tập quán như các bà mẹ mới sinh không được phép đi ra ngoài, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Theo đánh giá của các tổ chức nhân quyền quốc tế, tại hầu hết các quốc gia châu Phi hiện nay, trẻ em lớn lên và trưởng thành không được tiếp cận nền giáo dục tốt. Và nếu không được đăng ký quyền công dân khi sinh ra thì đa số các em không được hưởng những quyền tối thiểu dành cho trẻ em như Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE của Thư viện khoa học công cộng (có trụ sở tại Mỹ) cho biết, việc xây dựng đầy đủ các hệ thống đăng ký khai sinh sẽ giúp tránh những vấn đề nêu trên cho trẻ em. Nghiên cứu của Anne Lieke Ebbers và Jeroen Smits thuộc trường Đại học Radboud đã so sánh dữ liệu từ Phòng thí nghiệm dữ liệu toàn cầu của hơn 350.000 trẻ em ở 40 quốc gia trong khu vực Hạ Sahara. 

"Các tổ chức viện trợ đang tìm cách cải thiện tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh trên thế giới bằng cách giải quyết các vấn đề như nghèo đói, giáo dục và quyền lợi của phụ nữ. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, việc không đăng ký khai sinh cho trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần được nhìn nhận một cách bao quát hơn. Chẳng hạn, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ trẻ được đăng ký khai sinh giữa thành phố và nông thôn. Trong khi đó, hệ thống đăng ký khai sinh mà một quốc gia sử dụng cũng đóng một vai trò quan trọng vì có một loạt các yếu tố làm phức tạp quá trình này. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kém cũng có thể hạn chế việc đi lại và đăng ký khai sinh", bà Anne Lieke Ebbers, giáo sư tại trường Đại học Radboud, cho biết.

Theo bà Ebbers, dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng có ảnh hưởng lớn để tỷ lệ đăng ký khai sinh. Theo đó, nhân viên y tế có thể nhắc nhở các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh cho trẻ qua các kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho thai phụ.

Nguồn: theafricareport.com, news-medical.net
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm