Dự báo tâm bão sẽ trực tiếp đi vào tỉnh Cà Mau, nên tỉnh này đã khẩn cấp di dời khoảng 98.000 người dân các huyện ven biển đến nơi an toàn. Thậm chí, không ít người đã bị cưỡng chế vì còn chần chừ không chịu sơ tán theo chủ trương chung nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Các địa phương chỉ bố trí lực lượng thanh niên trai tráng ở lại chằng neo nhà cửa.
Tại huyện U Minh, hàng trăm chuyến xe buýt hối hả chở người đi chạy bão. Nhiều gia đình đã đưa tất cả người già, phụ nữ, trẻ em đi sơ tán, chỉ cắt cử duy nhất 1 người ở lại trông coi nhà cửa.
Tại khu tránh bão ở trung tâm hành chính huyện U Minh, cách xã ven biển Khánh Hội khoảng 30 km, hàng trăm người dân trải chiếu nằm dưới nền nhà, một số ít bàn ghế, giường xếp được kê dành cho trẻ nhỏ.
Vừa tổ chức cho người dân di dời tránh bão, huyện U Minh còn lên phương án bảo vệ hoa màu, rừng. Nhiều nông dân còn một số diện tích lúa sắp đến độ chín, nhưng họ đã quyết định cắt sớm, thà chấp nhận ảnh hưởng đến năng suất còn hơn là mất trắng vì bão. Tại huyện U Minh, diện tích lúa trên đất nuôi tôm trên 17.000 ha đang vào giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch. Hiện người dân đã thu hoạch sớm khoảng 500 ha.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, công tác sơ tán dân đến nơi an toàn đã cơ bản hoàn thành trước 5 giờ chiều 25/12. Tất cả các khâu hậu cần từ thức ăn, nước uống đến thuốc men cũng được đảm bảo phục vụ người dân.
Trong khi đó, ở TP Cần Thơ, chính quyền đã yêu cầu các đơn vị cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con nhỏ đang công tác được nghỉ làm việc từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12 để chăm sóc con. Trong thời gian này, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp bố trí nhân sự thay thế, đảm bảo hoạt động sản xuất và chủ động ứng phó với bão số 16.
Tương tự, tỉnh Trà Vinh cũng cho cán bộ, nhân viên được nghỉ từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12 để cùng gia đình ứng phó với bão số 16 phòng các sự cố xảy ra. Tỉnh cũng tăng cường, huy động toàn bộ lực lượng để ứng phó với bão.
Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do đến tối ngày 25/12, cơ quan chức năng xác định bão sẽ không “đánh trực diện” vào địa phương này nên đã ngừng việc di dân, chờ đến sáng 26/12 xem tình hình ra sao sẽ có kế hoạch đưa dân về nhà nhằm sớm ổn định đời sống.
Được biết đến tối ngày 25/12, bão Tembin đã di chuyển lệch xuống phía Nam, tâm bão nhiều khả năng sẽ không nằm trong đất liền, nhưng nhiều địa phương thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liên, Cà Mau vẫn sẽ có gió mạnh cập 8-9, giật cấp 11. Như vậy, cơ quan khí tượng văn xác định vùng nguy hiểm vẫn rất rộng, vùng gió mạnh vẫn tồn tại ở phía Bắc và phía Tây của cơn bão là chính, phía Nam ở ngoài biển thì ít hơn, khả năng gây thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền là vẫn có thể xảy ra nếu như chính quyền và người dân có tư tưởng chủ quan.