Năm Dậu đi mũi Kê Gà

31/01/2017 - 10:02
Mũi Kê Gà (xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) hoang sơ và bình yên đến lạ. Giữa biển xanh sâu thẳm là hình ảnh của những phiến đá lấp lánh như được dát vàng trong ráng chiều êm dịu và ngọn hải đăng cao vút.
Nơi đây khiến tâm hồn ta an nhiên kỳ lạ, xoa dịu những lo toan thường ngày để chìm đắm trong thiên nhiên thanh bình.
3.JPG
 Cảnh sắc ở mũi Kê Gà với điểm nhấn là hải đăng Kê Gà
Mũi Kê Gà thực sự vẫn còn là “ẩn số” với nhiều người bởi vẫn chưa được các đơn vị lữ hành đưa vào tour khai thác vì khi đến Bình Thuận, đa phần du khách đều chọn Phan Thiết rồi đi thẳng ra Mũi Né. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà mũi Kê Gà còn giữ được cảnh hoang dại vốn có. Nó trở thành điểm dừng chân của những “phượt thủ” cùng với nhiều vị khách nước ngoài, muốn đến đây để hít thở không khí trong lành và chiêm ngưỡng hải đăng Kê Gà - ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.

Nếu đi từ Quốc lộ 1, đường vào mũi Kê Gà có nhiều đoạn hơi khó đi bởi “ổ gà”, “ổ voi” nhưng bù lại, lại được ngắm nhìn những vườn thanh long ngút ngàn nằm dọc hai bên đường. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều chọn cung đường ven biển để đến đây, bởi đường vắng, dễ đi, cảnh sắc tươi đẹp. Theo người dân địa phương, Kê Gà còn có tên gọi khác là Khe Gà do trước đây đất liền và đảo chưa tách rời, ở giữa có một dòng suối (khe) chảy qua, gà rừng thường kéo nhau ra đây uống nước, kiếm ăn. Nhưng khi người Pháp đến đây, có lẽ để dễ phát âm nên họ gọi Kê Gà. Xem ra đây cũng là tên gọi lý thú bởi đã "kê” lại còn... "gà”.
4.jpg
Đến bờ biển, để ra được đảo lên hải đăng thì phải đi tàu. Lộc (17 tuổi, quê Đồng Tháp) làm nghề đưa khách từ đất liền ra hải đăng Kê Gà cho biết: Vào tháng 7 khi triều xuống thì có thể đi bộ từ đất liền ra hải đăng. Những tháng còn lại trong năm thì phải đi tàu. Chỉ cách đất liền chừng vài trăm mét nhưng để đi được ra đảo cũng lắm công phu. Đầu tiên, khách phải đi thuyền thúng ra thuyền máy thả neo ngoài biển, rồi từ thuyền máy mới chạy ra đảo. Khách ngồi trên thuyền, tròng trành theo từng cơn sóng, nhiều lúc lại hét to vì gặp phải con sóng lớn dù trên người đã mặc áo phao. Tàu chạy khoảng hơn 10 phút thì ra đến mũi đảo.

Kê Gà đẹp nhất là vào lúc hoàng hôn. Điều đó chính xác. Lúc này, những phiến đá đầy hình thù như được dát vàng, lấp lánh dưới mặt nước biển xanh trong. Vừa cất bước khỏi tàu, du khách thường đi thẳng lên hải đăng Kê Gà, sau đó mới khám phá những nơi khác. Hải đăng cao vút giữa nền trời xanh thẳm, uy nghi và cổ kính. Theo sử sách, mũi Kê Gà được coi là là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà, từ 1897 đến 1899 thì hoàn thành.
2.JPG
Đường lên ngọn hải đăng là những cây sứ cổ thụ tạo nét đẹp cổ kính, hoang sơ. Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện. Đứng trên đỉnh cao ngọn tháp, ta phóng tầm mắt nhìn ra biển bao la, tâm hồn đầy ắp sự khoan khoái, cảm giác như chỉ có mình với biển, với trời.

Không chỉ chìm đắm trong cảnh đẹp của thiên nhiên, đến với mũi Kê Gà, du khách còn có thể thể trải nghiệm với những dịch vụ như câu cá, câu mực, đánh lưới… Nhiều người còn quyết định ở lại trên đảo để cảm nhận được không gian khi đêm xuống. Khách có thể cắm trại ở phía ngoài hoặc ngủ trong nhà của cán bộ công nhân viên làm việc ở đây. Để đúng “chất” dân phượt, du khách sẽ đốt lửa trại, mua hải sản nướng rồi cùng hàn huyên giữa không gian yên bình, tươi đẹp.
5.JPG
Không ồn ào, khoa trương nhưng mũi Kê Gà vẫn tạo được nét đẹp riêng của nó. Đó là sự quyến rũ của thiên nhiên hoang sơ, kỳ ảo và cả sự phóng khoáng, mến khách của con người nơi đây. Và chắn hẳn rằng, ai đã từng có dịp đặt chân đến nơi này cũng muốn quay trở lại, để tâm hồn xao động thêm lần nữa.

Có nhiều đường đến với mũi Kê Gà. Từ TP.HCM theo Quốc lộ 1 đến thị trấn Thuận Nam rẽ phải vào khoảng 20km. Hoặc đi về TP. Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) đi theo quốc lộ 55 ven biển qua thị xã La Gi, từ đây đi khoảng hơn 30km nữa thì đến mũi Kê Gà. Ngoài ra cũng có thể đến TP. Phan Thiết (Bình Thuận) rồi đi ngược trở lại để đến mũi Kê Gà.

Chi phí đi tàu từ đất liền ra hải đăng Kê Gà khoảng 50.000 đồng/người, cho 2 lượt đi và về. Ngoài ra, các dịch vụ tại đây cũng khá phong phú, giá dịch vụ câu cá là 50.000 đồng/người; kéo lưới giá 300.000 đồng/tay lưới; câu mực vào ban đêm khoảng 1,5 triệu đồng/thuyền 10 người.

Về chỗ ngủ thì du khách có thể cắm trại ngủ ngay trên đảo. Nếu không, du khách cũng có thể thuê các nhà nghỉ ở ngay đất liền với giá từ 150.000 – 300.000 đồng/đêm. Còn nếu muốn ở resort thì phải đi khá xa, khoảng 7 – 10 km với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/2 khách.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm