Nam định: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025

Dương Hải Anh
17/10/2022 - 17:58
Nam định: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025

thôn xóm theo mô hình kiểu mẫu

Vào năm 2019, Nam Định là tỉnh đầu tiên trở thành "Tỉnh nông thôn mới" trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với 100% các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định - một trong những huyện có xã Nghĩa Minh được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, 23 xã được công nhận nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu.

Nam định và nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1.

Hoạt động quét dọn đường làng thôn xóm của các hội viên tại huyện Nghĩa Hưng

Bà Lê Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng, Nam Định cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, các ngành về mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tiến tới thực hiện nông thôn mới nâng cao, chúng tôi coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và sẵn sàng chuẩn bị xây dựng những phương án, kế hoạch dựa trên tình hình thực tế của địa phương, để phát huy hiệu một cách tối ưu. Hiện huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng được 24/24 xã có đường hoa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Chúng tôi thường xuyên xuống các cơ sở để tập huấn, tuyên truyền kiến thức xây dựng nông thôn mới nâng cao, động viên các hội viên tham gia 1 cách tích cực nhất bởi đây là lực lượng chủ chốt của địa phương".

Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, vượt 4 năm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, huyện Hải Hậu 34 xã, Nghĩa Hưng 17 xã, Nam Trực 11 xã, Trực Ninh 10 xã, Vụ Bản 10 xã, Ý Yên 9 xã, Xuân Trường 7 xã, Giao Thủy 6 xã và Mỹ Lộc 2 xã. Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 255 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

Nam định và nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 2.

Xây dựng đường hoa tự quản tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được thì thực tế phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vẫn chưa đồng đều do điều kiện kinh tế của một số địa phương và sự thiếu hụt trong nguồn lực còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh Nam Định đã tiếp tục chuẩn bị những kế hoạch cho việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết 06 về việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch TW Hội về thực hiện các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 03/NQ-BCH ngày 20/5/2022 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XVII về "Nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong việc tuyên truyền, vận động phát huy nội lực, sức sáng tạo của phụ nữ Nam Định trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh giai đoạn 2022-2026", và đề ra 03 giải pháp cụ thể để các cấp Hội thực hiện:

Một là, triển khai thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Hai là, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Hiện thực hóa các ý tưởng/dự án khởi nghiệp tiêu biểu về nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất và kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm....

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng, kịp thời động viên các gương điển hình dưới cơ sở khi thực hiện tốt các hoạt động của Hội trong các đợt sơ kết, tổng kết.

Có thể thấy, để tạo được sự đồng nhất và phát huy hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới các cấp của địa phương thì vai trò của nhân dân và nguồn lực tại mỗi cơ sở luôn là yếu tố quan trọng. Hơn hết, phải tạo được niềm tin và quyết tâm cùng nhân dân hành động, khuyến khích các mô hình người dân độc lập tự chủ, có trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác tại các cơ sở.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã có một sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến tại các làng nghề.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm