pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nấm mỡ đang vào mùa, 4 lý do bạn nên bổ sung loại nấm này vào chế độ ăn uống
Nấm mỡ có tên khoa học là Agaricus, bao gồm 2 loại là A.bisporus, A.bitorquis có màu trắng và màu nâu. Tác dụng của nấm mỡ đối với sức khoẻ đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Đặc biệt, nấm đang vào mùa, bạn đừng nên bỏ lỡ loại thực phẩm này để giúp tăng cường sức khoẻ, nhất là vào mùa bệnh truyền nhiễm.
1. Giá trị dinh dưỡng của nấm mỡ
Trước khi đi vào tác dụng của nấm mỡ, chúng ta có thể khám phá giá trị dinh dưỡng của loại nấm này. Giống như hầu hết các loại nấm, nấm mỡ có ít calo nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong 96 gam nấm mỡ nguyên chất cung cấp:
- Lượng calo: 21
- Carb: 3 gram
- Chất xơ: 1 gram
- Chất đạm: 3 gam
- Chất béo: 0 gam
- Vitamin D: 33% giá trị hàng ngày (DV)
- Selen: 16% DV
- Phốt pho: 12% DV
- Folate: 4% DV
Nguồn dinh dưỡng đa dạng nên nấm là nguồn thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt, nấm mỡ còn chứa vitamin B12, một loại vitamin có nhiều trong động vật. Vì vậy, việc bổ sung nấm mỡ sẽ có lợi cho những người ăn chế độ dựa trên thực vật.
2. Tác dụng của nấm mỡ đối với sức khoẻ
Nấm mỡ được nhiều người lựa chọn bổ sung vào chế độ ăn uống vì giá trị dinh dưỡng cao và nhiều đặc tính khác có lợi cho sức khoẻ.
2.1. Phòng ngừa ung thư
Tác dụng của nấm mỡ trong phòng ngừa ung thư là vì loại nấm này chứa nhiều chất chống oxy hoá như polyphenol, polysacarit, ergothioneine, glutathione, selen và vitamin C. Những chất chống oxy hóa này giúp chống lại tác hại của stress oxy hóa - nguyên nhân dẫn đến tổn thương tế bào và đẩy nhanh quá trình lão hóa, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và một số bệnh ung thư. Cụ thể:
- Glutathione vừa đóng vai trò là chất chống oxy hóa vừa là chất giải độc, giúp loại bỏ các chất có hại đối với cơ thể.
- Ergothioneine bảo vệ DNA khỏi tổn thương oxy hóa.
- Vitamin C và selen cung cấp các đặc tính chống ung thư giúp tăng cường sản xuất các tế bào bảo vệ của hệ thống miễn dịch, bao gồm cả các tế bào tiêu diệt tự nhiên, giúp chống lại sự phát triển của ung thư.
Ngoài ra, trong nấm mỡ còn có chứa hợp chất hoạt tính sinh học polysaccharides, có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ.
2.2. Tăng cường sức khoẻ tim mạch
Hàm lượng ergothioneine và beta glucan trong nấm mỡ có thể giúp giảm nguy cơ liên quan đến sức khoẻ tim mạch như căng thẳng oxy hóa, viêm nhiễm, hàm lượng cholesterol và chất béo trung tính cao.
Beta glucan là một loại chất xơ hòa tan, có tác dụng làm giảm mức cholesterol trong máu thông qua khả năng tạo thành chất giống như gel khi tiêu hóa. Sau đó, nó giữ lại chất béo trung tính và cholesterol, ngăn chặn sự hấp thụ của chúng.
Tương tự, nghiên cứu cho thấy ergothioneine có thể giúp giảm mức chất béo trung tính sau bữa ăn và ức chế sự phát triển mảng bám động mạch, một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim có thể dẫn đến huyết áp cao và đột quỵ.
2.3. Tốt cho xương
Nấm mỡ tự nhiên có chứa hàm lượng vitamin D khá cao do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D là loại vitamin cần thiết giúp xương khoẻ mạnh cũng như giúp tăng cường miễn dịch, cải thiện tâm trạng và cải thiện sức khoẻ đường ruột.
2.4. Lợi ích khác
Ngoài 3 tác dụng nổi bật trên, nấm mỡ còn có một số lợi ích khác đối với sức khoẻ như:
- Kiểm soát lượng đường trong máu: các polysaccharide trong nấm mỡ có thể giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.
- Cải thiện sức khỏe đường ruột: các polysacarit trong nấm mỡ cũng hoạt động như prebiotic. Prebiotic là thức ăn cho vi khuẩn đường ruột có lợi của cơ thể chúng ta. Khi nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi tốt, sẽ giúp tăng cường miễn dịch, tốt cho quá trình tiêu hóa và cải thiện tâm trạng.
3. Sử dụng nấm mỡ như thế nào?
Nấm mỡ có thể chế biến thành nhiều món ăn. Tuỳ mỗi vùng miền nhưng mọi người có thể tham khảo một số công thức chế biến nấm mỡ đơn giản, giàu dinh dưỡng và ngon miệng.
3.1. Nấm mỡ xào tỏi
Nấm mỡ xào tỏi là món ăn vừa đưa cơm lại rất tốt cho sức khoẻ, phù hợp là món ăn bổ sung vào mùa cúm vì tỏi có tác dụng kháng khuẩn và tiêu viêm, trong khi nấm mỡ giúp tăng cường miễn dịch.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các nguyên liệu như nấm mỡ, tỏi, ngò, gia vị và sơ chế thực phẩm
- Đun nóng chảo trên bếp rồi cho dầu ăn và tỏi vào phi thơm. Đến khi tỏi cháy xém thì cho nấm mỡ vào đảo sơ và cho một chút gia vị cho ngấm đều.
- Đảo cho đến khi nâm chín thì cho ngò và nêm nếm gia vị lại một lần nữa cho vừa miệng. Như vậy là bạn đã có món nấm xào tỏi thơm ngon và bổ dưỡng.
3.2. Nấm mỡ xào cùng bông cải xanh
Bông cải xanh (súp lơ xanh) chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường miễn dịch, tốt cho tim mạch và ngăn ngừa ung thư. Do vậy, kết hợp bông cải xanh cùng nấm mỡ là món ăn hoàn hảo. vừa giàu dinh dưỡng lại giúp tăng cường sức khoẻ.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các nguyên liệu như nấm mỡ, bông cải xanh, gia vị, hành lá và sơ chế thực phẩm
- Đun nóng chảo và cho một lượng dầu ăn vừa đủ, sau đó cho nấm mỡ xào qua và nêm một ít gia vị.
- Xào nấm mỡ vừa tái thì cho thêm bông cải xanh và tiếp tục xào đều tay đến khi các nguyên liệu chín hẳn, sau đó cho thêm hành lá và đảo thêm 1 phút. Nêm nếm gia vị thêm một lần nữa là có thể thưởng thức.
3.3. Canh nấm mỡ thịt gà
Thịt gà chứa ít chất béo và cung cấp protein lành mạnh cũng như giàu axit amin tryptophan, selenium, vitamin B6,... tốt cho tim mạch, cải thiện tâm trạng và nhiều lợi ích sức khoẻ khác. Khi nấu chung với nấm mỡ sẽ tạo ra món ăn ngon, bổ mà đơn giản.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các nguyên liệu như nấm mỡ, bông cải xanh, thịt gà, cà rốt, gia vị và sơ chế thực phẩm
- Cho gà lên luộc rồi lấy nước dùng để nấu nấm mỡ cùng các nguyên liệu khác.
- Xé nhỏ thịt gà rồi cho vào nồi nước dùng nấm, rau vừa xong và đun thêm vài phút.
- Nêm nếm gia vị là có thể thưởng thức.
Ngoài một vài công thức trên, mọi người có thể chế biến nấm mỡ với nhiều công thức khác như xào với thịt bò, làm salad, chiên trứng,...
Trên đây là những tác dụng của nấm mỡ đối với sức khoẻ. Ngoài việc bổ sung nấm mỡ một cách thường xuyên vào chế độ ăn uống, các bạn nên xây dựng thực đơn đa dạng. Tức là kết hợp bổ sung nấm mỡ cùng nhiều nguồn thực phẩm khác như rau xanh, các loại hạt, trứng, cá,...