pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nam sinh Hà Nội chia sẻ bí kíp tự học tiếng Anh để đạt 8.5 IELTS
Tô Anh Đức, sinh sống tại Hà Nội. Nam sinh từng là học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm. Về quá trình học Tiếng Anh, nam sinh hoàn toàn tự học 100%, không hề qua một trung tâm ôn luyện hay khóa học online nào nhưng vẫn đạt IELTS 8.5.
Trước đó, Anh Đức cũng dự thi TOEIC và đạt được số điểm đáng ngưỡng mộ là 990 điểm. Anh Đức đánh giá dù TOEIC và IELTS khác nhau về dạng bài nhưng về bản chất không hề thay đổi. Thí sinh hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp học cũ để chuyển giao từ học TOEIC sang IELTS.
Nam sinh Hà Nội chia sẻ: "Tuy TOEIC và IELTS có khác nhau nhưng điều cơ bản nhất là các bạn có nghe và hiểu được không. Những cái thay đổi nhỏ của đề thi có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng.
Học IELTS là quãng đường dài hơn học TOEIC. Học TOEIC là một xuất phát điểm tốt để học IELTS. Như bản thân mình, mình học TOEIC trước, xong mới chuyển qua học IELTS. Để có thể sử dụng được các kiến thức ngữ pháp/từ vựng, bạn cần tập nói/viết thật nhiều và không nên sợ sai. Ví dụ như khi học một từ/cấu trúc ngữ pháp mới, bạn nên đặt càng nhiều câu càng tốt.
Một điều lưu ý tiếp theo là dù học TOEIC hay IELTS thì vẫn luôn dựa trên những nền tảng căn bản nhất gồm ngữ pháp, từ vựng, phát âm. Vì vậy mà việc luôn cải thiện cả 3 nền tảng này hàng ngày là điều quan trọng trong việc nâng cao khả năng tiếng Anh nói chung, cũng như học TOEIC/IELTS nói riêng".
Một điều quan trọng mà Anh Đức chia sẻ, việc biết một kiến thức và sử dụng nó thành thạo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như khi bạn học TOEIC Reading, bạn có thể nắm vững các kiến thức ngữ pháp (câu điều kiện, chia thể,…) để chọn đáp án đúng. Hoặc bạn cũng có thể biết khá nhiều từ, đủ để đọc hiểu tốt các câu trong phần thi Reading. Tuy nhiên, việc vận dụng kiến thức ngữ pháp và từ vựng vào IELTS Speaking/Writing là một quãng đường dài, đòi hỏi phải tập luyện nhiều.
Dưới đây là những bí quyết mà Anh Đức đã đúc rút được trong quá trình ôn luyện TOEIC và IELTS. Nam sinh hy vọng sẽ mang đến thông tin hữu ích cho các bạn học sinh đang có kế hoạch dự thi bài chuẩn hóa Tiếng Anh.
1. Về Speaking
Speaking của IELTS yêu cầu việc sử dụng từ ngữ và mẫu câu ở mức cao hơn so với Speaking của TOEIC. Nếu bạn chỉ dùng những từ ngữ và mẫu câu cơ bản, điểm phần thi Speaking của cả TOEIC và IELTS khó qua được mức 7.0.
Điểm khác biệt tiếp theo đó là thi Speaking TOEIC trên máy, thí sinh sẽ nói vào microphone và nhìn được còn bao nhiêu thời gian để điều chỉnh thời gian cho hợp lý. Còn trong IELTS Speaking, thí sinh cần nhìn vào mắt giám khảo nên độ tập trung và tự tin hơi giảm đôi chút. Vì vậy, việc tìm 1 người để tập nói cùng sẽ giúp bạn quen dần với cảm giác mặt đối mặt khi thi IELTS.
Ngoài ra, đối tác tập nói sẽ giúp quá trình tiến bộ nhanh hơn do cả 2 người có thể thúc đẩy nhau học tập, trao đổi ý tưởng và sửa lỗi sai cho nhau. Theo mình, đây là 1 cách khá hiệu quả. Một tuần chỉ cần gặp khoảng 2 buổi là đủ. Ngoài ra, khi nói ở nhà, bạn hãy nhìn vào gương để theo dõi được khẩu hình miệng. Sau đó, hãy ghi âm bài nói và tự nghe lại cũng là một cách tốt để tìm ra các lỗi của mình.
Trong IELTS Speaking, có một thứ rất quan trọng đó là DỰ ĐOÁN ĐỀ THEO QUÝ. Nếu bạn học nghiêm túc và muốn đạt điểm tốt, bạn nên học hết toàn bộ dự đoán đề của quý mà bạn sẽ đi thi (bạn nên xem cả thêm 1, 2 quý trước nữa). Việc chuẩn bị chi tiết tùy thuộc vào thời gian và độ quyết tâm của bạn. Dự đoán theo quý của IELTS chia ra làm 4 tháng 1 quý. Có một số nguồn dự đoán đề Speaking khá uy tín, bạn nên tìm hiểu và tham khảo.
Kể cả trong IELTS và TOEIC Speaking, bạn đừng học thuộc câu trả lời từ một nguồn nào. Vì khi đi thi, bạn sẽ khó trả lời ngay được đáp án theo phản xạ. Bạn chỉ nên học những từ vựng hay, sau đó gắn vào câu chuyện của bản thân. Làm như vậy, bạn sẽ có câu trả lời nhanh, tự nhiên và phù hợp.
Điểm số của Tô Anh Đức.
2. Về Reading/Listening
Chủ đề của TOEIC Reading không rộng bằng IELTS Reading (có cả lịch sử, khảo cổ, sinh học,…). Vậy làm thế nào để hiểu được hết bài đọc của IELTS khi mới chuyển từ TOEIC sang? Câu trả lời là trong quá trình nâng cao trình độ Tiếng Anh, bạn đừng bó buộc mình học Tiếng Anh cho một kỳ thi cụ thể nào mà hãy đọc/nghe/viết/nói bất cứ thứ gì mình thích bằng Tiếng Anh.
Nhờ đó, dần dần, việc đọc và nghe một bài dài sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cùng với vốn từ vựng được nâng cao mỗi ngày (thông qua việc học từ vựng theo chủ đề cũng như ghi lại từ mới của những bài đọc/nghe trước), bạn sẽ thấy bài đọc/nghe của IELTS trở nên dễ hiểu. Quá trình này diễn ra một cách từ từ, do vậy bạn không nên mất kiên nhẫn trong thời gian đầu. Reading/Listening là 2 kỹ năng dễ hơn nên bạn cố gắng đạt 8.5 mỗi kỹ năng. Từ đó có thể kéo được Overall lên.
Điểm nổi bật trong IELTS Reading/Listening là việc câu trả lời thường là 1 phiên bản được paraphrased của câu hỏi (trong các câu lựa chọn 3 hoặc 4 đáp án). Do vậy, một việc rất quan trọng là bạn phải hiểu được nội dung của câu hỏi và sau đó tìm câu trả lời phù hợp. Bạn không nên đọc/nghe kiểu tìm keywords vì làm như vậy sẽ dễ bị lừa chọn những đáp án sai. Việc quen với paraphrasing cũng sẽ giúp cho các bạn trong cả Writing/Speaking, khi bạn có thể diễn đạt lại câu hỏi theo ý riêng của mình.
Có 1 lưu ý nhỏ trong Listening, đó là phải kiên nhẫn. Đừng vội vàng điền đáp án trong những câu multiple choices, vì sẽ có đến cả 4 lựa chọn và cái đúng ở cuối cùng.
3. Về Writing
Đối với TOEIC Writing, các bạn học chủ yếu theo Template. Với IELTS thì việc sử dụng Template không hiệu quả lắm vì đề bài đa dạng hơn rất nhiều.
Học IELTS Writing task 1 tốn nhiều thời gian luyện tập hơn do có nhiều dạng khác nhau. Đặc biệt là với dạng process/map, các bạn sẽ khá vất vả. Tuy nhiên, ở Writing task 1 cũng có một số nguyên tắc chung mà bạn có thể học để xử lý số liệu một cách hệ thống và hiệu quả.
Về bài luận thì kiểu đề của cả 2 khá giống nhau, nhưng ở TOEIC, các bạn chỉ cần viết một cách tương đối (sử dụng câu điều kiện, câu phức…) và không sai ngữ pháp, đúng với chủ đề, đủ từ, là có thể được điểm tối đa (lưu ý nhớ dùng từ nối giữa các câu để làm bài văn liền mạch hơn). Với IELTS, yêu cầu các bạn phải sử dụng những từ/cụm từ phức tạp hơn, dạng câu hỏi cũng đa dạng hơn.
Để nâng cao trình độ trong IELTS Writing, bạn nên chịu khó đọc bài từ những người được điểm cao, để nắm được bố cục bài, liên kết câu và cách dùng từ. Theo kinh nghiệm của mình, 200 TOEIC Writing = 7.0 IELTS Writing.
Những điều lưu ý khi bước vào phòng thi mà thí sinh cần lưu ý
- Khi không nghe được 1 câu trong phần Listening thì phải quên luôn là mình không làm được nó. Vì nếu chúng ta cứ trăn trở mãu sẽ không giải quyết được điều gì và làm ảnh hưởng đến những câu tiếp theo.
- Phần lựa chọn 1 trong 3 đáp án: Phải nghe được từ câu hỏi đầu tiên, nếu không thì tỷ lệ không làm được sẽ rất cao (tất nhiên là có ngoại lệ kiểu như câu hỏi đuôi khó hơn đảo lên nhưng đa số là từ để hỏi sẽ ở đầu câu). Và sẽ có những câu mà bạn còn tưởng có 2 đáp án đúng.
- Nếu trình độ bạn chưa quá cao, phần Reading chắc chắn không đủ thời gian đọc hết 100 câu. Vậy thì làm được câu nào phải chắc câu đấy. Đừng cố kiểu đọc qua cho xong, làm không chắc. Sẽ có những câu đòi hỏi bạn phải hiểu kỹ mới làm được, không phải là bày ra trước mặt để bạn có thể tìm từ này hay từ kia là làm được.
- Tất nhiên ai cũng muốn làm đúng càng nhiều càng tốt nhưng cũng nên biết mình cần làm đúng bao nhiêu câu để sắp xếp thời gian cho hợp lý. (Ví dụ người 700 điểm với người 900 điểm sẽ có cách phân bổ thời gian khác nhau cho Reading).
- Trang phục: Mặc càng ít đồ càng tốt cho gọn gàng, đỡ vướng víu.