pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nam sinh lớp 8 sống trong sợ hãi khi muốn nuôi tóc dài và tô son
Hải Đường chia sẻ với chuyên gia tâm lý, khi em lên 10 tuổi đã có cảm giác khác lạ về bản thân. Khi đi ngoài đường hay đến lớp em rất thích ngắm những bạn gái xinh đẹp, mặc váy điệu. Lúc không ai để ý, em thường lấy dây buộc tóc và son môi của chị gái để buộc tóc và tô môi như các bạn.
Hải Đường thường cảm thấy uất ức, khó chịu khi bố mẹ bắt em cắt tóc ngắn, bởi em thích có mái tóc dài, mượt. Mỗi lần như vậy, em thường rấm rứt khóc một mình. Lúc đó, bản thân em vẫn chưa hiểu được vì sao mình lại thích giống như con gái.
Lớn lên một chút, Hải Đường bắt đầu tìm hiểu trên mạng và mơ hồ nhận thấy mình thuộc giới tính thứ 3 nhưng cũng không dám chắc chắn. Cứ như thế, suốt một thời gian dài, em sống trong sợ hãi, lo lắng. Đôi lúc em thử làm cho mình nam tính hơn qua cách ăn mặc, chơi thể thao nhưng Hải Đường lại cảm thấy mình đang giả tạo. Đến năm lớp 8, em mới mạnh dạn gọi điện đến một trung tâm tư vấn. Tuy nhiên, em rất lo sợ khi chuyên gia tư vấn khuyên nên trao đổi với gia đình về bản thân.
Cũng như Hải Đường, nhiều em vì lo sợ vấp phải sự phản ứng của gia đình mà bản thân trở nên mất phương hướng, cô đơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải (Công ty Cổ phần Đầu tư Tài năng Việt) cho biết, giới tính thứ 3, gọi tắt là LGBTQ+, trong đó, les là đồng tính nữ, gay là đồng tính nam. Đây là những người thích người cùng giới và bản thân họ không cảm thấy vấn đề gì với cơ thể của mình khi gần gũi với người khác. Trans là người chuyển giới, trong đó người chuyển giới từ nữ thành nam, người chuyển giới từ nam thành nữ, người chuyển giới từ nam thành nữ nhưng yêu nữ, người chuyển giới từ nữ thành nam để yêu nam. Bisexual là lưỡng tính, yêu được cả nam và nữ. Questiong là người không xác định được giới tính của mình.
Chị Trần Hạnh Nguyên (Xã Đàn, Hà Nội), có con đồng tính, cho biết, khi con gái lên 9 tuổi, chị đã thấy con có biểu hiện khác lạ, chỉ thích mặc đồ nam, để tóc ngắn, thích chơi với con trai nhưng chị lại nghĩ con mình "cá tính". Đến sinh nhật tuổi 12, cô bé đã ngập ngừng nói với mẹ về việc mình không thích mặc váy đồng phục, không thích để tóc dài... Chị Nguyên đã ngay lập tức cấm con "có suy nghĩ vớ vẩn" và bảo với con "lớn lên sẽ khác". Điều này đã khiến con chị không tâm sự với mẹ nữa. Chị thật sự bị sốc khi khám phá ra điều con thú nhận là sự thật, chỉ có điều, trong suốt 4 năm không có người chia sẻ, đến nay con gái chị đã 16 tuổi. Cô bé trở nên trầm cảm và xa cách, không muốn bố mẹ can thiệp vào bất cứ việc gì.
Khao khát sự chia sẻ của cha mẹ
Các dấu hiệu để xác định giới tính thứ 3 thường căn cứ vào vẻ bề ngoài, hành động, thói quen, sở thích. Có những trẻ thể hiện dấu hiệu giới tính thứ 3 từ khi còn rất nhỏ, 2-3 tuổi. Khi bản thân thấy điều khác lạ, đầu tiên trẻ cần xác định rõ mình thuộc giới tính nào. Sau đó tìm hiểu tất cả thông tin cần thiết có liên quan đến nhóm giới tính đó như sự phát triển, trở ngại tâm lý.
Có những trẻ hoang mang, sốc khi xác định rõ giới tính của bản thân và lo sợ bố mẹ mình không thể chấp nhận. Có những trẻ lại chấp nhận giới tính của mình một cách tự nhiên, sống bằng cảm xúc của mình và tìm cách để bố mẹ và người xung quanh chấp nhận.
Đối với cha mẹ của trẻ thuộc giới tính thứ 3, khi con chủ động chia sẻ thật về bản thân là con đang tìm kiếm một sự thấu hiểu, đồng hành và chấp thuận. Bởi định kiến xã hội nên hơn bao giờ hết, lúc này, con rất khát khao được sự ủng hộ và chỉ bảo của bố mẹ. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ phản ứng khá mạnh và tiêu cực như mắng con, cấm đoán những thói quen lệch chuẩn giới tính của con. Bố mẹ phản ứng tiêu cực thì con cũng phản ứng tiêu cực theo. Con sẽ chống đối bố mẹ và âm thầm sống với bản năng giới của mình. Vì vậy, khi con đã chủ động chia sẻ, bố mẹ cần bình tĩnh, tâm sự, chia sẻ với con để tìm hiểu, đồng hành cùng con.
Khi trẻ giấu giếm bố mẹ nghĩa là con lo sợ bố mẹ không thể chấp nhận sự thật này hoặc bố mẹ chưa đủ niềm tin với con để con chia sẻ. Vì vậy, bố mẹ càng cần bình tĩnh để suy nghĩ, tìm cách đồng hành với con để con dần mở lòng, chia sẻ với bố mẹ. Từ đó bố mẹ biết cách định hướng cho con phù hợp. Nếu bố mẹ phản ứng tiêu cực có thể sẽ xảy ra nhiều chuyện không hay, thậm chí dẫn tới việc con bất cần và làm bất cứ thứ gì để được sống theo ý mình muốn.