Nạn nhân bỏng bị lột sạch da do dội nước lạnh?

19/11/2016 - 11:54
Vụ nổ bốt điện tại Q.Hà Đông (Hà Nội) mới đây khiến 1 người tử vong và nhiều người bị bỏng. Trong đó, 1 nạn nhân nam được người xung quanh dội nước lạnh với hy vọng vết thương bớt trầm trọng. Cách sơ cứu này liệu có đúng?
Lâu nay, nhiều người nghĩa sơ cứu bỏng đơn giản, chỉ việc đưa vết bỏng vào nước lạnh hay bôi kem đánh răng, đắp khoai tây… lên là có thể giảm độ bỏng rát. Tuy nhiên, cách sơ cứu này có thể khiến vết bỏng nặng hơn. 
bong.jpg
Người đàn ông bị bỏng được dội nước khiến da lột sạch
BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết, khi bị bỏng, cần phải nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người, sau đó cởi hết quần áo một cách nhẹ nhàng tránh làm trượt da. Nhanh chóng chuẩn bị 1 chậu nước sạch (không cần phải là nước đun sôi để nguội) với nhiệt độ từ 16 đến 20 độ và nhúng vết bỏng vào nước. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng, lấy khăn sạch băng vết bỏng.
BS Nguyễn Thống khuyến cáo thêm, các trường hợp bị bỏng mà sử dụng thuốc Nam đắp lên vết bỏng, sẽ gây đau, xót vết bỏng. Sau đó sẽ tạo thành lớp mủ bên dưới màng thuốc, từ đó gây sốt cao, rét run, co giật. Đặc biệt, không tin theo lời của các thầy lang điều trị vì khiến vết bỏng không khỏi, phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
ThS.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu–Chống độc, BV Nhi TƯ, cho rằng: Cách dội nước lạnh sơ cứu bỏng của người dân không sai nhưng chưa đúng hoàn toàn. Tổn thương bỏng rất đa dạng. Tất cả trường hợp bị bỏng cần được xử trí đúng. Xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại thương tật vĩnh viễn. Sau sơ cứu ban đầu, cần đưa nạn nhân đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.
Xử trí ban đầu do bỏng có thể đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Động thái này nhằm mục đích giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số 1 giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Với trường hợp bị bỏng vừa qua, sau khi sơ cứu, phải bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: Dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm. Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.
Trước đó, PNVN đưa tin chiều 17/11 xảy ra vụ cháy nổ trạm biến áp ở phố Hoàng Văn Thụ (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) khiến 5 người bị bỏng, trong đó có hai vợ chồng chủ quán nước bị bỏng rất nặng. Đến sáng 18/11, chồng của bà chủ quán nước đã tử vong. Một nạn nhân trong vụ cháy đau đớn, hoảng loạn được người dân dùng nước dội vào người khiến da bị lột sạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm