pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao chất lượng đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận, chia sẻ của các đại biểu
Trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đào tạo luật, sự phát triển công nghệ, chuyển đổi số đã đặt ra nhiều vấn đề mới bao gồm: Xuất hiện các lĩnh vực pháp lý mới (đơn cử như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, quản lý blockchain…); Yêu cầu kỹ năng công nghệ số dành cho người học luật sử dụng legaltech, phần mềm phân tích dữ liệu, các công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu, thực hành pháp lý hiệu quả hơn; Thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập trong đó đòi hỏi các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích hợp các nền tảng học tập trực tuyến, mô phỏng pháp lý và trải nghiệm thực tế ảo.
Bên cạnh đó là: Khả năng thích ứng với tốc độ thay đổi nhanh trong việc cập nhật chương trình giảng dạy, đảm bảo cho sinh viên luật được tiếp cận với những kiến thức mới nhất cũng như thích nghi với sự thay đổi; Phát triển tư duy pháp lý linh hoạt và sáng tạo bởi chưa bao giờ xuất hiện nhiều tình huống pháp lý mới chưa từng có tiền lệ đòi hỏi người học luật phải có khả năng tư duy sáng tạo để đưa ra các giải pháp pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức nghề luật; và Hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức công nghệ trong đào tạo luật để tạo điều kiện cho người học luật có nhiều cơ hội thực tập, tiếp xúc với thực tiễn pháp lý số.
Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ các kết quả nghiên cứu về đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số, tạo diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà khoa học trao đổi, phân tích, đánh giá các yếu tố liên quan để khía cạnh lý luận, thực tiễn đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị chính sách thúc đẩy sự phát triển đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số.
Phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, Hội thảo tạo ra một môi trường trao đổi ý tưởng và khuyến khích tư duy sáng tạo. Các vấn đề pháp lý mới phát sinh từ chuyển đổi số đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và linh hoạt, điều này có thể được thúc đẩy thông qua thảo luận nhóm và là cơ hội để kết nối giữa các chuyên gia, giảng viên và sinh viên trong ngành luật. Các ý kiến và kết quả từ hội thảo có thể được sử dụng để định hướng chính sách đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó giúp cải thiện chương trinh giảng dạy và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Hội thảo cũng giúp nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ trong ngành luật. Sinh viên và giảng viên sẽ hiểu rõ hơn về cách ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, phân tích và thực thi pháp luật. Hội thảo cũng là nơi để thảo luận và tìm ra các giải pháp cho những vấn đề pháp lý cụ thể phát sinh từ chuyển đổi số, như bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm pháp lý trong thương mại điện tử và các quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, Hội thảo đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam không chỉ mang lại kiến thức và kỹ năng mới cho người tham gia mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo luật trong thời đại số.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS.Lê Văn Bính (Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, chuyển đổi số trong đào tạo luật trong bối cảnh Cách mạng 4.0 là tất yếu, vì vậy người dạy và người học luật cần có năng lực số, đó là điều kiện để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. "Do vậy, giảng viên cần xem chuyển đổi số là quan trọng, là vì sự nghiệp giáo dục đại học trong hoàn cảnh mới, giảng viên cần tự học, tự phát triển năng lực số, cần tích cực làm việc và giao tiếp trên nền tảng số, trên không gian số, có tính trách nhiệm xã hội khi chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong môi trường số", TS Lê Văn Bính chia sẻ.
Hội thảo tập trung vào 4 nội dụng trọng tâm: Những vấn đề cơ bản về đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số; Thực tiễn đào tạo luật trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam và các yêu cầu đặt ra đối với đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số; Đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở các quốc gia trên thế giới và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Nội dung khác liên quan đén chủ đề Hội thảo.
Từ 41 bài viết của các cá nhân, nhà nghiên cứu, người học luật tại các cơ sở đào tạo Luật trên cả nước, Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn 28 bài viết chất lượng để đăng vào Kỷ yếu Hội thảo. Với cách tiếp cận đa dạng và thực tiễn phong phú, các báo cáo khoa học tham gia Hội thảo đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn có giá trị, là nguồn tham khảo hữu ích giúp các giảng viên, sinh viên và chuyên gia trong ngành luật cập nhật những kiến thức mới về công nghệ và xu hướng pháp lý hiện đại.