Nâng cao chất lượng lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng ở khu vực Đông Nam Bộ

Nguyễn Văn Việt
23/02/2025 - 14:50
Nâng cao chất lượng lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng ở khu vực Đông Nam Bộ

Đông đảo sinh viên, người lao động tham gia “Ngày hội tuyển dụng, việc làm" tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để đáp ứng lượng lớn nhân lực chất lượng cao cho năm 2025, các tỉnh, thành trong vùng đang rất nỗ lực triển khai các giải pháp, đặc biệt là giải pháp về lao động có tay nghề cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tuyển dụng lao động tại khu vực Đông Nam Bộ cũng gia tăng với tốc độ cao. Để đáp ứng lượng lớn nhân lực chất lượng cao cho năm 2025, các tỉnh, thành trong vùng đang rất nỗ lực triển khai các giải pháp, đặc biệt là giải pháp về lao động có tay nghề cao cho các ngành sản xuất và dịch vụ theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cung không đủ cầu

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ngay từ những ngày cuối năm 2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương, với 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, Bình Dương là địa điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trở thành một hình mẫu về thu hút đầu tư.

Đáp ứng sự tăng trưởng tốc độ cao này, đòi hỏi nguồn nhân lực rất hùng hậu và trình độ cao, vì vậy công tác giáo dục nghề nghiệp luôn là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực không chỉ để có bằng cấp mà phải có "trình độ tay nghề" thực thụ; bên cạnh đó đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng mềm trong công việc.

Cũng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương, tỉnh hiện có 701 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra còn có một số trường cao đẳng, trung cấp liên kết tổ chức chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại Đồng Nai, để nâng cao chất lượng lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết tâm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề. Đồng Nai được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hiện số nhà đầu tư vào lĩnh vực này còn ít nên việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư hy vọng sẽ là cơ hội tốt để Đồng Nai đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhất là khi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, tỉnh đã quy hoạch quỹ đất giáo dục nghề nghiệp tại 5 huyện, thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2024, quy mô tuyển sinh được cấp phép là hơn 17.000 lao động bậc trung cấp và cao đẳng trong khi nhu cầu các doanh nghiệp cần hơn 65.000 lao động. Trong năm nay, dự kiến nhu cầu sẽ tăng cao hơn.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, năm 2025 nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 75.000 người, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 6.000 người, cao đẳng là trên 5.000 người, trung cấp hơn 6.200 người và công nhân kỹ thuật là trên 3.600 người.

Để đáp ứng nhu cầu lao động của tỉnh, Trung tâm sẽ mở rộng hợp tác với các địa phương, kết nối lao động cho các doanh nghiệp; khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức công nghệ và khả năng thích ứng với các vị trí việc làm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới sẽ nổi lên những nghề nghiệp theo xu hướng cơ cấu lao động có sự chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn.

Khi đó nhu cầu tuyển dụng chính là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ, chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm. Các khảo sát cho thấy nhu cầu nhân lực qua đào tạo hiện chiếm hơn 95% tổng số lao động.

Trong đó, người có trình độ đại học chiếm 25%, cao đẳng 23%, trung cấp 32% và sơ cấp 20%. Thị trường lao động đang tập trung vào 10 nhóm ngành nghề trọng điểm, với yêu cầu chuyên môn cao.

Nâng cao chất lượng lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng ở khu vực Đông Nam Bộ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đa dạng mô hình nâng cao chất lượng

Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đức Lương (Bình Dương) - doanh nghiệp chuyên cung ứng lao động cho khu vực Đông Nam Bộ chia sẻ: Mặc dù nguồn cung lao động dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh chất lượng của nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các thống kê gần đây chỉ ra rằng khoảng 60% lao động chưa qua đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền, thời gian qua, ngoài việc phối hợp với các cơ sở giáo dục dạy nghề và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, Sở đã tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của 608 doanh nghiệp đang hoạt động đối với hơn 424.000 lao động. Qua đó cho thấy trình độ lao động phổ thông chiếm trên 83%, trình độ cao đẳng, trung cấp hơn 8,5% và khác là 8,5%.

Nhằm thực hiện giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp, mô hình đào tạo hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động và điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp.

Tại Đồng Nai, Sân bay Quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động. Để chuẩn bị nguồn lực cho sân bay trong thời gian tới, công tác hướng nghiệp, giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đăng ký học các nghề phục vụ khi sân bay được chú trọng.

Đồng thời, mời gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, thành lập và xây dựng trường cao đẳng hoặc trung cấp chuyên đào tạo ngành hàng không, hỗ trợ về thủ tục hành chính, giới thiệu địa điểm được quy hoạch.

Tại Bình Dương, các chương trình đào tạo kỹ năng và hướng nghiệp cũng được đẩy mạnh. Tỉnh đã triển khai và đưa vào hoạt động hai ứng dụng di động “Việc làm Bình Dương” và “Bảo hiểm thất nghiệp”, giúp tối ưu hóa việc tìm kiếm thông tin việc làm, bảo hiểm và các chính sách liên quan. Tỉnh đang hợp nhất hai ứng dụng này thành một nền tảng duy nhất nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp hiệu quả hơn trong tương lai.

Để công tác đào tạo nghề đáp ứng "trúng" nhu cầu của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương cho biết, nhà trường đã đưa học viên, giáo viên đến thăm quan trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Trường thường xuyên trao đổi nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, từ đó tổ chức tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề. Năm 2024, trường cung ứng được hơn 8.000 học viên, trong đó đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp được 1.344 lao động có tay nghề cao. Đào tạo lý thuyết và thực hành cơ bản tại nhà trường, sau đó thực hành ứng dụng ngay trên trang thiết bị, máy móc của doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh quan trọng này, việc nâng cao chất lượng lao động không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo mà cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Chỉ khi mọi bên cùng vào cuộc, chúng ta mới có thể tạo ra một lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động khu vực Đông Nam Bộ, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai”, ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đức Lương chia sẻ.

Nguồn: VNP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm