Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ

PV
11/04/2023 - 16:47
Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo "Chia sẻ Kinh nghiệm của Australia và Việt Nam về Nâng cao Quyền năng của Phụ nữ" diễn ra vào ngày 11/4 tại Hà Nội

Sự hỗ trợ về các nguồn lực kỹ thuật, tài chính, nhân sự… đã góp phần giúp Trung tâm Phụ nữ và Phát triển triển khai tốt hơn nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho phụ nữ, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ.

Việt Nam được đánh giá có nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục..., được cộng đồng quốc tế ghi nhận, xếp vào 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam; gây tác động tiêu cực đối nạn nhân, gia đình và cộng đồng.

Tham gia vào công cuộc phòng chống bạo lực đó, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) đã góp phần chung tay cùng toàn xã hội chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. 

Báo PNVN đã có cuộc chia sẻ cùng bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, về các hoạt động hợp tác, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ.  

Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Australia và Việt Nam về Nâng cao Quyền năng của Phụ nữ" diễn ra vào ngày 11/4 tại Hà Nội

- Bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề đáng lưu tâm của toàn xã hội. Xin bà chia sẻ một số thông tin liên quan đến vấn đề này?  

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP. Vì vậy, chung tay chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề cần quan tâm của toàn xã hội.

- Là một đơn vị được Trung ương Hội LHPN Việt Nam giao trọng trách phát triển các mô hình xã hội trợ giúp phụ nữ và trẻ em, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã có những hoạt động gì để tham gia vào công cuộc phòng chống bạo lực thưa bà?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Tham gia công cuộc phòng chống bạo lực đó, trong suốt quá trình phát triển của mình từ năm 2007, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển với sứ mệnh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho phụ nữ, đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam giao trọng trách phát triển các mô hình xã hội trợ giúp như Ngôi nhà Bình Yên – nơi tạm lánh an toàn cho phụ nữ, trẻ em nạn nhân của mua bán người, Bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. 

Cho đến nay, Ngôi nhà Bình Yên đã cung cấp tham vấn trực tiếp, qua Tổng đài 1900969680 và hotlines là trên 26.000 lượt, 20.000 người và gần 17.000 ca tham vấn, cung cấp nơi tạm lánh cho 1.619 người tạm trú đến từ 56/63 tỉnh/thành thuộc 17 dân tộc. Ngôi nhà Bình Yên có 2 cơ sở tại Hà Nội, 1 cơ sở tại Cần Thơ.

Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ - Ảnh 2.

Ngôi nhà Bình Yên - nơi tạm lánh an toàn cho phụ nữ, trẻ em nạn nhân của mua bán người, bạo lực gia đình và xâm hại tình dục.

- Được biết, bên cạnh sự đồng hành của các cấp Hội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức để hoạt động hiệu quả hơn?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Trong suốt những năm qua, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có Chính phủ Úc. Chính phủ Úc đã hỗ trợ về các nguồn lực kỹ thuật, tài chính, nhân sự hết sức có ý nghĩa, và làm thay đổi, cải thiện các dịch vụ xã hội trợ giúp phụ nữ và trẻ em trong suốt chặng đường phát triển của mình, trong đó có các Dự án nổi bật có thể kể đến như:

- Dự án "Nâng cao năng lực nguồn nhân lực tại Việt Nam: Cung cấp dịch vụ hiệu quả trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người" theo Chương trình Đối tác Chính phủ vì Sự phát triển của Australia (GPFD), Trường Đại học Tổng hợp Flinders thuộc Bang Nam Úc hợp tác với Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2014 - 2017, nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, bao gồm đào tạo nâng cao năng lực và cải thiện các dịch vụ Nhà tạm lánh và Tham vấn.

- Dự án "Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19" được thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021. Dự án do UNFPA, UNICEF và UN Women phối hợp cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam cùng các bên liên quan khác thực hiện. Mục tiêu dự án đặt ra là tăng cường các cơ chế phòng ngừa, ứng phó quốc gia, nhằm giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19.

- Dự án "Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam" được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025. Dự án này nhằm đạt mục tiêu tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực thông qua tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các biện pháp ứng phó đa ngành.

Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ - Ảnh 3.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo "Chia sẻ Kinh nghiệm của Australia và Việt Nam về Nâng cao Quyền năng của Phụ nữ"

- Thông qua các chương trình, Dự án này, công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của Trung tâm phụ nữ và Phát triển của Hội LHPN Việt Nam đã đạt được những kết quả ra sao, thưa bà?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên các khía cạnh, bao gồm:

Một là, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nhằm cung cấp dịch vụ hiệu quả trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người.

Chương trình hợp tác đã tập huấn cho 65 cán bộ lãnh đạo và nhân viên thuộc Trung tâm, Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan liên quan và tổ chức thành 3 khóa học: Năm 2014 tập huấn tại Úc; 2015 tập huấn tại Đà Nẵng; năm 2016 tập huấn nâng cao tại Úc (mỗi khóa 2 tuần) đồng thời theo dõi hỗ trợ (giám sát mang tính hỗ trợ), bao gồm: Quản lý Ngôi nhà bình yên; Hỗ trợ người làm tham vấn; Giám sát hỗ trợ cho vấn đề quản lý số liệu.

65 học viên tham dự đã cùng thực hiện thành công hơn 35 kế hoạch hành động cá nhân và nhóm về các hoạt động: hội thảo về tác động tiêu cực của bạo lực gia đình đối với trẻ em; truyền thông tại cộng đồng về ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em; ứng dụng các phương tiện truyền thông mới như Facebook, clip để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng chống/ứng phó bạo lực giới; phối hợp với Bộ Công an tổ chức các chương trình đào tạo về phòng chống bạo lực giới cho học viên Học viện Cảnh sát; các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống mua bán người tại tỉnh Mèo Vạc, Hà Giang; Xây dựng thương hiệu Peace Coffee tại Trung tâm Phụ nữ Phát triển - là một mô hình tham vấn mở về các vấn đề liên quan đến hạnh phúc gia đình, trao quyền dành cho phụ nữ tại cộng đồng….

Hai là, Hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới (bao gồm bạo lực gia đình và mua bán người) tại Ngôi nhà Bình Yên

Phát triển và Hướng dẫn sử dụng cuốn sổ tay phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cấp trung ương và mở rộng xây dựng cuốn sổ tay về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cấp cơ sở cho nhân viên tham vấn, nhân viên xã hội và các cán bộ Hội LHPN; áp dụng các quản lý theo thể chế bằng cách quản lý số liệu về bạo lực trên cơ sở giới chuyên nghiệp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Hướng dẫn và đào tạo cho nhân viên tham vấn, nhân viên xã hội tại 2 Ngôi nhà Bình Yên và 8 tỉnh về cách thu thập, sử dụng và phân tích thông tin từ hệ thống cơ sở dữ liệu. Xây dựng và Phát triển Đường dây nóng thành Tổng đài 1900969680 - tư vấn về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới tại Phòng tham vấn Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và tại 8 tỉnh trọng tâm. 

Với việc nâng cấp thành Tổng đài, những phụ nữ và trẻ em bị bạo lực có thể gọi tới số điện thoại 1900969680 để nhận được hỗ trợ kịp thời 24/7. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân, cải thiện cơ sở vật chất của các dịch vụ xã hội liên quan và 3 Ngôi nhà Bình Yên tại Cần Thơ và Hà Nội, trong bối cảnh Covid-19 nhằm đảm bảo các dịch vụ thiết yếu để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực không bị gián đoạn và được nâng cao. Ngoài cung cấp các trang thiết bị, Dự án cũng tập trung nâng cao năng lực cho nhân viên xã hội trực đường đây nóng và Ngôi nhà Bình Yên nhằm nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp với tình hình bạo lực gia tăng.

Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo

Ba là, truyền thông nâng cao nhận thức. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tổ chức các chiến dịch truyền thông thường niên mang tên "Bữa sáng Ruy băng trắng", Hoà nhạc giáo dục… với mục đích nâng cao nhận thức, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm, cũng như tăng cường sự tham gia của lãnh đạo nam nhằm xây dựng những chuẩn mực xã hội, thái độ, hành vi tích cực để lên tiếng ngăn chặn phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Bà có đề xuất gì trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em?

Bà Dương Thị Ngọc Linh: Để công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới nói chung và hoạt động Ngôi nhà Bình Yên được tiếp tục nâng cao, Trung tâm mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Úc cho các hoạt động sau: 

- Hỗ trợ các hoạt động truyền thông để tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; để cộng đồng lên tiếng đảm bảo sự an toàn của phụ nữ, trẻ em.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong xử lý, ứng phó với các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ ngay tại cộng đồng.

- Quan tâm hỗ trợ nguồn lực để duy trì và mở rộng thêm mô hình Ngôi nhà Bình Yên tại các khu vực trong cả nước và đặc biệt nâng cấp thành Tổng đài Quốc gia hỗ trợ phụ nữ.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm