Nâng cao năng lực tài chính để phụ nữ tự chủ trong cuộc sống

10/03/2019 - 12:03
Việc đáp ứng đúng và kịp thời các dịch vụ tài chính để phụ nữ vượt qua hay tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tài chính chính thức và các tổ chức khác cần xem xét.

Để xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em phát huy hết tiềm năng của mình và huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay hành động, Hội LHPN Việt Nam chọn năm 2019 là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

 

Đây là chủ đề xuyên suốt, được thực hiện trong nhiều năm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

 

Nhiều nghiên cứu phát triển gần đây đã chỉ ra rằng, để có thể đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bền vững, cần thiết phải giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ (đặc biệt phụ nữ nghèo, cận nghèo và yếu thế) trước những rủi ro trong cuộc sống. Việc đáp ứng đúng và kịp thời các dịch vụ tài chính để phụ nữ vượt qua hay tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tài chính chính thức và các tổ chức khác cần xem xét.

 

vay.jpg
TYM đã trở thành một kênh giúp các chị em phụ nữ có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính phù hợp 

 

Là một đơn vị của Hội LHPN Việt Nam, từ năm 1992, Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) đã được Hội giao nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực về tài chính để tự chủ trong cuộc sống và sẵn sàng ứng phó với khó khăn. Để hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, chủ động đảm bảo an toàn và bền vững tài chính cho bản thân và gia đình, Hội-TYM triển khai hỗ trợ thành viên song song 2 hình thức: 1) nâng cao năng lực và hiểu biết về quản lý tài chính và 2) tạo kênh tiếp cận các dịch vụ tài chính an toàn, phù hợp cho chị em.

 

Nâng cao năng lực và hiểu biết về quản lý tài chính 

Việc chị em thiếu kiến thức về đặc điểm cũng như điều kiện sử dụng các loại dịch vụ tài chính dẫn đến sự thiếu tự tin, ngại tiếp cận đối với các dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính chính thức. Việc giáo dục tài chính cho chị em có thể cung cấp những kiến thức cần thiết về dịch vụ tài chính chính thức cho chị em phụ nữ, tạo niềm tin và sự tự tin để họ chủ động tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường chính thức, hạn chế tham gia vào thị trường tín dụng đen.

 

Thêm vào đó, việc giáo dục tài chính sẽ giúp chị em và gia đình họ biết quyền lợi của mình, biết cách tự bảo vệ mình, biết phát hiện những sai phạm, những hoạt động phi pháp của các tổ chức tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động giám sát được dễ dàng hơn, giảm nhẹ nguồn lực của Nhà nước vào việc giám sát, kiểm tra và xử lý sai phạm.

 

TYM đã tổ chức hàng ngàn lớp học và các buổi chia sẻ về vai trò của giáo dục tài chính và kinh tế gia đình, cách ghi chép thu-chi của hộ gia đình, tư vấn lựa chọn và khởi sự dự án kinh doanh, sản xuất nhỏ. Cán bộ TYM đến từng nhà để cùng chị em phân tích tình hình kinh tế, nghề nghiệp của gia đình để tư vấn triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng, mong muốn phát triển của gia đình. Có kiến thức, có sự tư vấn và khích lệ từ cán bộ Hội-TYM cùng với sự quyết tâm của cả gia đình, nhiều chị em từ việc chỉ làm ruộng đã mạnh dạn bắt tay vào những hoạt động kinh doanh nhỏ, hay chuyển dần từ việc làm thuê sang tự sản xuất, kinh doanh.

 

Có những phụ nữ khi mới vào TYM còn chưa biết chữ, chưa từng một lần đứng trước đám đông thì nay đã đọc thông viết thạo, trở thành chủ xưởng sản xuất, thành tấm gương làm kinh tế giỏi tại địa phương. Điển hình như chị Dương Thị Tuyết (huyện Ý Yên, Nam Định) tham gia TYM năm 1998, khi đang làm nghề thu gom phế liệu. Qua những buổi học của TYM cũng như học hỏi từ chị em trong cùng cụm TYM, đến năm 2002, chị đã bàn với chồng mở xưởng đúc đồng. Năm 2008 và 2011, chị lần lượt được Quỹ Citi và tổ chức Planet Finance vinh danh Doanh nhân vi mô Việt Nam và toàn cầu. Ngoài chị Tuyết, Hội-TYM còn đồng hành giúp hơn 120.000 chị em thoát nghèo, 7.000 chị em phụ nữ trở thành doanh nhân vi mô, truyền cảm hứng cho hàng triệu chị em trên cả nước.

 

Tạo kênh tiếp cận các dịch vụ tài chính an toàn, phù hợp cho chị em 

Với nhu cầu vay vốn nhỏ hay gửi tiết kiệm với số tiền nhỏ lẻ, phụ nữ thu nhập thấp và phụ nữ yếu thế khó có thể tìm được đơn vị nào cung cấp dịch vụ phù hợp.

 

Chính vì vậy, từ năm 1992, TYM đã áp dụng các nguyên tắc hoạt động phù hợp với đặc điểm của chị em để giúp họ dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính, như: cho vay không cần tài sản thế chấp, cho vay vốn nhỏ nhưng liên tục qua các năm với mức vốn lớn dần lên tương ứng với khả năng quản lý vốn của người vay, thu hồi vốn và lãi hàng tuần/tháng nhằm tạo điều kiện cho người vay giảm gánh nặng hoàn trả, vay vốn song song với tiết kiệm nhỏ lẻ nhằm tạo thói quen tiết kiệm và tích lũy tài sản...

 

mg_8504-1.jpg
Cán bộ TYM đến thu tiền của các thành viên vay vốn tại xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc

 

Khi tiếp cận dịch vụ tài chính của TYM, khách hàng được phân tích, tư vấn để hiểu sản phẩm, hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm khả thi nhất với bản thân và gia đình. Nhờ vậy, chị em phụ nữ tham gia TYM đảm bảo tỉ lệ hoàn trả hơn 26 năm qua ở mức 99,99%. Những trường hợp không thể hoàn trả đúng hạn đều được Hội-TYM tạo điều kiện tái cơ cấu khoản vay hoặc xóa nợ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đặc biệt, phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật hoặc sống chung với HIV/AIDS được TYM thiết kế các sản phẩm lãi suất thấp để các chị có cơ hội làm kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Đến nay có hơn 10.000 phụ nữ nghèo và cận nghèo tiếp cận vốn ưu đãi của TYM, trong đó hơn 6.000 chị đã thoát nghèo; hơn 300 phụ nữ sống chung với HIV/AIDS được TYM hỗ trợ vốn cùng các dịch vụ khác.

 

Rõ ràng, nâng cao năng lực tài chính và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đã giúp chị em có thêm hiểu biết, kiến thức về quản lý tài chính và kinh doanh, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, giúp gia đình họ có khả năng tài chính ứng phó với những rủi ro trong cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa gia đình thoát nghèo và hơn thế nữa. Đây là một hoạt động mà Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo cần thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm