pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho phụ nữ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nước sạch nông thôn. Ảnh minh họa
Những thông tin này được công bố tại Hội thảo giới thiệu, chia sẻ cách tiếp cận và đề xuất các giải pháp lồng ghép và định hướng xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển định cư sinh thái gắn kết, nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ven biển của Trà Vinh và Bạc Liêu do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 18/3.
Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi đóng góp trên 50% sản lượng lúa gạo cả nước, lại là khu vực vô cùng nhạy cảm trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu. Trà Vinh, Bạc Liêu nói riêng và ĐBSCL nói chung hiện đang đối mặt với những thách thức về xói lở bờ biển, xâm nhập mặn và thiếu nước sạch.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển ĐBSCL". Trà Vinh và Bạc Liêu là hai địa phương tham gia chương trình; trong đó Dự án tập trung hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô nhỏ và truyền thông, nâng cao nhận thức về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình này cũng được kỳ vọng hỗ trợ gần 100 ngàn người dân tại hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu trong việc tiếp cận nước sạch và giảm tác động của xói lở bờ biển. Ngoài ra, Dự án còn đặt ra mục tiêu tối thiểu 40% số cán bộ, người dân được hưởng lợi là phụ nữ.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Giám đốc dự án, cho biết: "Để thích ứng với biến đổi khí hậu thì việc lồng ghép, tích hợp biến đổi khí hậu vào chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển được xem là giải pháp quan trọng, tổng thể và hữu hiệu nhất và cần thực hiện sớm, để các địa phương có thể chủ động các phương án thích ứng hợp lý và giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đối khí hậu, đặc biệt là các địa phương ven biển ở đồng bằng Sông Cửu Long".
Phát biểu tại hội thảo, TS. Jonghyo Nam, UN-Habitat Vietnam (Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc), cho biết: Hướng tới việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu ở toàn bộ vùng ĐBSCL, góp phần bảo vệ khu vực trọng yếu này, Dự án sẽ coi cộng đồng là trung tâm và tập trung vào nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng để tạo ra một mô hình định cư gắn kết con người và sinh thái với định hướng nhân rộng ra các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL trong thời gian tới.