pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nâng chén" chúc mừng Ngày 8/3, tài xế vi phạm nồng độ cồn, than "mất hơn cả tiền đi làm 1 tháng"
Chiều 6/3, Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn tại nút giao phố Quang Trung - Phùng Hưng - Hà Đông (Hà Nội). Cảnh sát xác định, thời điểm trước Ngày 8/3, nhiều cá nhân và cơ quan, tổ chức sẽ mở tiệc chúc mừng, kéo theo đó là tình trạng tài xế vi phạm nồng độ cồn gia tăng.
Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 7 đã ngăn một phần đường để kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, các loại phương tiện bị dừng kiểm tra gồm cả ô tô và xe máy.
Quy trình kiểm tra được thực hiện theo 2 bước, khi mới dừng phương tiện, các tài xế được kiểm tra bằng phương pháp định tính, máy đo nồng độ cồn ở chế độ kiểm tra nhanh, tài xế chỉ cần thổi hơi vào ống phễu để phát hiện cồn. Khi phát hiện tài xế có nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu xuống xe để kiểm tra định lượng và cho đúng chỉ số vi phạm của người điều khiển.
Khoảng 13h13, tổ công tác tiến hành cho dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn tài xế điều khiển xe máy mang BKS 29T1-398.xx phát hiện vi phạm ở mức 0,268 miligam/lít khí thở.
Danh tính người điều khiển được xác định là ông Đ.N.B (SN 1960, ở Q.Hà Đông, Hà Nội). Ngoài ra, ông B. còn không xuất trình được giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe.
Với lỗi vi phạm trên, ông B. có thể sẽ bị phạt tiền 4,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng, tạm giữ phương tiện trong vòng 7 ngày.
Các tài xế vi phạm sẽ phải ký xác nhận vào phiếu kiểm tra nồng độ cồn.
Trong số những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, có nhiều trường hợp vi phạm vượt mức kịch khung.
Cụ thể, khoảng 15h30, tổ công tác phát hiện tài xế C.B.L (ở Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) có dấu hiệu không tỉnh táo, chạy xe loạng choạng, cảnh sát ngay lập tức dừng xe và yêu cầu tài xế vào điểm đo nồng độ cồn.
Thời điểm kiểm tra, ông L. không xuất trình được giấy phép lái xe và đăng ký xe theo quy định. Sau khi tài xế thổi nồng độ cồn, máy đo cho ra kết quả ở mức 0,683 mg/lít khí thở, vượt quá mức kịch khung được quy định tại Nghị định 100 (0,4mg/lít khí thở).
Ông L. cho biết, do tham gia tiệc mừng Ngày 8/3 cùng bạn bè ở chỗ làm việc nên ông chủ quan uống chừng 3 lon bia, dù biết lái xe về là vi phạm pháp luật nhưng vì nghĩ bản thân còn tỉnh táo nên ông vẫn làm vậy.
Bị lập biên bản, người đàn ông này hối hận tâm sự: "Hồi đó tới giờ tôi ít khi nhậu lắm, nói thật. Đây là lần đầu tôi bị phạt. Tôi đã nhận thức được hành vi vi phạm, uống rượu bia rồi lái xe là gây nguy hiểm cho mình và người khác. Tôi hứa lần sau không tái phạm lỗi này", ông L. nói.
Với lỗi vi phạm trên, ông L. có thể sẽ bị phạt tiền 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện trong vòng 7 ngày. Sau khi được CSGT thông báo về mức xử phạt, người đàn ông này bàng hoàng nói với CSGT: “Con ghi vậy là chết chú rồi! Không lẽ bỏ xe lại đây. Con cũng biết là đang nhận lương hưu mà lương thì có bao nhiêu đâu. Có cách nào để giảm nhẹ cho chú hay không? Sai, chú biết mình sai nhưng cái mình nói ở đây là tình cảm. Thông cảm cho người già đi”. Sau khi được CSGT giải thích cặn kẽ, ông cũng chịu ký vào biên bản.
Phương tiện của người vị phạm bị niêm phong, tạm giữ.
Đại úy Nguyễn Văn Tiến - Đại diện Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) - cho biết, khi sử dụng các đồ uống, tài xế cần đọc kỹ nhãn mác để xác định nồng độ cồn, tránh trường hợp sừ dụng rượu, bia rồi lái xe.
CSGT cũng đưa ra lời khuyên với các tài xế, dù sử dụng ít hay nhiều rượu, bia thì sẽ có tác động nhất định đến việc phản xạ khi điều khiển phương tiện của tài xế nên sau khi sử dụng rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe.