Nàng công chúa triều Nguyễn không ưa xa hoa, chỉ thích sách vở

09/12/2016 - 13:18
Đó là công chúa Nguyễn Phước Vĩnh Trinh, hoàng nữ thứ 18 của vua Minh Mạng.

Bà tự là Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, sinh ngày 25 tháng 5 năm Giáp Thân (21/6/1824), mẹ là Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu. Bà là em cùng mẹ với Tùng Thiện vương Miên Thẩm và 2 nữ sĩ Mai Am, Huệ Phố. Bà cùng với Mai Am (Thúc Khanh) và Huệ Phố (Quý Khanh) họp thành Tam Khanh, là 3 nữ thi sĩ nổi tiếng ở kinh đô Huế đương thời.

Bà thông minh nhanh nhẹn, tính tình thuần hậu. Thuở bé sống trong cung nên bà được giáo dục đầy đủ, giỏi cả cầm - kỳ - thi - họa, may vá thêu thùa. Năm 1849, bà cùng hai em Thúc Khanh, Quý Khanh theo mẹ ra ở Tiêu Viên phía sau vương phủ của anh trai Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được anh chỉ bảo nên Nguyệt Đình sớm thông làu kinh truyện.

Tại Tiêu Viên, Nguyệt Đình cùng các em tham gia Mặc Vân thi xã do Tùng Thiện vương làm Tao đàn nguyên soái. Bà làm nhiều thơ chữ Hán, cùng mọi người xướng họa. Thơ của bà được tập hợp lại gọi là Nguyệt Đình thi thảo.

c-hu-gn-triu-i-vng-son-nh-nguyn.jpg
 Cố đô Huế gắn với triều đại vàng son của nhà Nguyễn.

Năm 1850, bà kết hôn với ông Phạm Đăng Thuật, con trai của Phạm Đăng Hưng, em ruột Phạm Thị Hằng (tức thái hậu Từ Dụ). Sách Đại Nam liệt truyện cho biết: “Công chúa sinh ra trong chốn vương gia, lấy chồng người họ quý nhưng khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa hoa, chỉ thích sách vở mà thôi”. Hai vợ chồng bà sống hạnh phúc, xướng họa tương đắc, chỉ sinh được một người con gái tên là Uyển La nhưng không may mất sớm.

Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, bắt đầu công cuộc xâm lược Việt Nam rồi sau đó chiếm thành Gia Định. Năm 1861, vua Tự Đức ban mật chiếu sai Phạm Đăng Thuật vào Nam Kỳ xem xét tình hình. Ông đã hy sinh trong chuyến đi này. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Quang Lộc tự khanh.

Nghe tin chồng qua đời, bà làm một bài biểu lời lẽ thống thiết xin được đưa quan tài ông về kinh mai táng. Trước nỗi đau mất chồng,  Nguyệt Đình thủ tiết và nhận nuôi người cháu là Phạm Đăng Tiến làm thừa tự, nhưng về sau Phạm Đăng Tiến là người không có đức hạnh nên bà từ bỏ, dựng từ đường riêng trước mộ chồng.

Trong 10 năm, bà một mình trong chốn cô phòng, không ra khỏi cửa, hầu hạ hương khói cho chồng vô cùng chu đáo. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), bà được phong Quy Đức công chúa. Năm 1875, bà tâu xin được giao cho xã sở tại (Dương Xuân), chọn người coi giữ việc thờ cúng nơi từ đường.

Bà mất ngày 22 tháng 3 năm Nhâm Thìn (18/4/1892) đời vua Thành Thái, hưởng thọ 68 tuổi, được song táng cùng chồng. Bà được triều đình ban tên thụy là Cung Thục.

Tập thơ Nguyệt Đình thi thảo, được Tuy Lý Vương Miên Trinh đề tựa khen ngợi rằng: Nay việc làm của em, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đã đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép đi in lại vài lần sao!

Tuy nhiên, tập thơ của bà do không kịp khắc in, lại gặp buổi loạn lạc nên đã bị thất lạc hoàn toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm