pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nắng nóng gay gắt, thiết bị tích điện hút khách mùa hè
Mùa hè năm nay, các thiết bị tích điện "lên ngôi". (Ảnh minh họa)
Hà Nội đang trong đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ đỉnh điểm lên đến 40 độ C khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao kéo theo hoá đơn tiền điện cũng tăng “chóng mặt”.
Những ngày này, ghi nhận tại các siêu thị điện máy, các cửa hàng bán đồ điện, điện lạnh cho thấy, các sản phẩm làm mát như điều hòa, tủ lạnh, quạt cây, quạt điều hòa, quạt phun sương, quạt năng lượng mặt trời... là những thiết bị đang được bán chạy. Đáng nói, các thiết bị tích điện và quạt phun sương chính là dòng sản phẩm được người tiêu dùng dành nhiều sự quan tâm hơn cả.
Theo khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị điện máy lớn trên địa bàn thành phố, hầu hết tất cả các nhãn hiệu quạt tích điện đều có mẫu mã đa dạng, giá cả phong phú tùy kích cỡ, nhãn hiệu, công suất, tính năng và nguồn gốc sản phẩm. Mức giá dao động từ 400.000 - 2 triệu đồng/chiếc.
Theo một nhân viên bán hàng tại cửa hàng điện máy trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), thời điểm hiện tại chưa có sản phẩm mới nào nhưng hầu hết đều đang được bày bán đa dạng với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế do phù hợp về giá thành, được đánh giá cao về độ bền và kiểu dáng.
"Mọi năm, vào mùa hè, nhà mình vẫn thường ưu tiên dùng điều hoà hoặc các loại quạt điều hoà để hỗ trợ thay thế khi cần thiết. Tuy nhiên, sau một mùa tổng kết lại thấy lượng điện năng tiêu tốn khá nhiều trong khi vẫn không thể giải quyết được vấn đề nếu không may mất điện nên năm nay mình tính chuyển sang dùng thử quạt tích điện" - anh Lê Hoàn (35 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ lý do lựa chọn quạt tích điện trong mùa hè này.
"Vợ tôi mới sinh em bé, nhà phía Tây, lại có diện tích khá nhỏ nằm ngay mặt đường nên vào mùa hè thường rất nóng. Cũng vì thế nên phải giữ cho nhà luôn được mát mẻ nên tôi muốn mua quạt tích điện để phòng trường hợp cắt điện luân phiên" - anh Hùng (32 tuổi, Hải Dương) nói.
"Quạt tích điện có nhiều mẫu mã và giá cả nhưng tôi chỉ chọn loại 1,5 triệu đồng có xuất xứ từ Nhật Bản. Dùng nhiều thiết bị điện của Nhật rồi tôi mới thấy, đây vẫn là dòng bền và có chất lượng ổn định nhất, lại có giá thành phù hợp nên tôi chọn.
Ngoài chức năng quạt mát, mẫu quạt tích điện này còn có đèn chiếu sáng và sử dụng liên tục trong khoảng thời gian từ 5 - 8 giờ sau 1 lần sạc nên tôi thấy khá tiện lợi", anh Hùng nói thêm.
Cũng theo anh Hải Minh, chủ cửa hàng điện tử điện lạnh ở quận Hà Đông, nhu cầu tìm mua các loại quạt làm mát đã bắt đầu tăng mạnh. Từ đầu tháng 5 đến nay, cửa hàng anh đã bán được gần 400 chiếc quạt tích điện, chiếm một nửa doanh số quạt bán ra tại cửa hàng.
"Đến thời điểm hiện tại, giá cả của các mặt hàng vẫn đang duy trì ở mức ổn định, không có nhiều biến động so với năm ngoái dù nhu cầu mua của người dân tăng mạnh. Ngoài quạt tích điện, mọi người cũng lựa chọn mua quạt phun sương khá nhiều. Dòng quạt này cũng có ưu điểm là không tốn nhiều điện", anh Hải Minh cho biết.
Anh Nguyễn Long (trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa sắm cho mình một chiếc quạt phun sương có giá gần 2 triệu đồng. Chia sẻ lý do mua quạt, anh Long cho biết nhà anh thường xuyên sử dụng thiết bị làm mát bởi nhà ở hướng Tây rất nóng, bật điều hòa nhiệt độ quá thấp thì không tốt nên gia đình anh kết hợp thêm quạt phun sương để tăng độ ẩm, điều hòa nhiệt độ và giúp giảm tải chi phí hóa đơn tiền điện cuối tháng mặc dù giá chi phí đầu vào không nhỏ.
Tuy vậy, anh Hải Minh cũng cho biết thêm, tại cửa hàng anh, không chỉ quạt tích điện, các thiết bị tích điện khác như đèn tích điện, bộ lưu điện cũng được nhiều người quan tâm. Theo anh, tình trạng mất điện luân phiên vào mấy ngày vừa qua khiến nhiều người lo lắng và muốn tìm hiểu để chuẩn bị trước.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, do nắng nóng, riêng ngày 17-5 lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thủ đô đạt 85,345 triệu kWh - mức cao nhất được ghi nhận trong năm nay.
Để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, người dân cần hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào các khung cao điểm của hệ thống điện. Cụ thể từ 11h30 - 14h30 và từ 20h - 22h hằng ngày.