Nên chườm lạnh hay nóng để giảm đau

12/11/2016 - 20:30
Chườm lạnh được sử dụng trong các chấn thương cấp tính, phần mềm, bong gân, có tác dụng co mạch, làm giảm bớt tình trạng chảy máu và giảm dịch tiết tại chỗ; chườm nóng được dùng trong những trường hợp bệnh lý sưng đau mạn tính.
Chườm là ứng dụng nhiệt trị liệu, thường được dùng để hạ sốt hoặc xử trí các chấn thương ở cả trẻ em và người lớn. Mặc dù được sử dụng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách dùng cho hiệu quả và an toàn. Ngay cả vấn đề cơ bản nhất là trường hợp nào chườm nóng, tình huống nào chườm lạnh, cũng không phải mọi người đều biết rõ.

Theo tư vấn của các bác sĩ có kinh nghiệm, chườm lạnh được sử dụng trong các chấn thương cấp tính, điển hình là các chấn thương phần mềm, bong gân (giãn dây chằng, đứt dây chằng) thường gặp trong chấn thương thể thao, có tác dụng co mạch, làm giảm bớt tình trạng chảy máu và giảm dịch tiết tại chỗ bị chấn thương; chườm nóng được dùng trong những trường hợp bệnh lý sưng đau mạn tính.
atcb.jpg
Khi trẻ bị sốt, một số phụ huynh thường chườm lạnh để mong con hạ sốt nhanh. Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyến cáo phụ huynh không nên làm điều này 
Cần lưu ý, không áp dụng chườm nóng cho một số trường hợp viêm cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, các bệnh nhiễm khuẩn có mủ; các trường hợp đang sốt cao, đang chảy máu; các vùng có khối u, ung thư, lao chưa ổn định; các trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân; bệnh nhân bị mất cảm giác hoặc đang có bệnh ngoài da…

Khi chườm nóng, không đặt túi chườm trực tiếp lên da bé mà cần lót 1 lớp khăn rồi mới đặt túi chườm lên. Thời gian mỗi lần chườm 20-30 phút là tối ưu.

Khi trẻ bị sưng do va chạm, bong gân, sốt, chảy máu cam, đau đầu, cháy nắng hay bỏng nhẹ, côn trùng cắn,… thì cần chườm lạnh. Lúc chườm lạnh, không để túi chườm trực tiếp lên da, mỗi lần chườm chỉ trong vòng vài phút, không kéo dài để tránh gây tổn thương mô. Nếu chườm nhiều lần thì khoảng cách giữa các lần chườm là 3-4 tiếng.

Đặc biệt, khi trẻ bị sốt, một số phụ huynh thường chườm lạnh, thậm chí là chườm bằng nước đá để mong con hạ sốt nhanh. Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyến cáo phụ huynh không nên làm điều này, vì thực sự rất nguy hiểm. Cơ thể bé đang nóng, nếu bạn chườm đá lạnh, nhiệt độ nóng - lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp ngay lập tức. Nếu trẻ sốt không quá cao thì cha mẹ có thể sử dụng túi chườm để hạ sốt, nhưng phải chườm bằng nước ấm (khoảng 34-35oC) chứ không được sử dụng nước quá nóng hay quá lạnh để chườm, đều sẽ gây những hậu quả nguy hại đối với sức khỏe của trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm