pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nên làm gì khi bị tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi?
1. Tiểu không kiểm soát
Tiểu không kiểm soát là tình trạng bệnh nhân không tự chủ được việc đi tiểu, có tình trạng rò rỉ nước tiểu hay tiểu són.
Tỉ lệ mắc tiểu tiện không tự chủ ở nữ giới lớn tuổi khoảng 35% và nam giới lớn tuổi là 22%. Tỉ lệ bệnh tăng cao ở các nhà dưỡng lão lên đến hơn 60%.
Chứng tiểu không kiểm soát kèm theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì nước tiểu són ra liên tục, nặng hơn là tiểu không kiểm soát có kèm theo đại tiện không tự chủ và cần điều trị sớm.
2. Một số biểu hiện thường gặp
Do gắng sức làm việc: Biểu hiện thấy rõ rệt nhất ở nữ giới, xảy ra khi người bệnh đang hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, rặn, cười, khiêng vật nặng… lượng nước tiểu thoát ra ít một.
Ngoài ra, bệnh lý thường gặp ở phụ nữ béo phì, mang thai nhiều lần, mãn kinh. Ở đàn ông thường gặp sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, nhất là cắt bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt.
Khi bị đái vãi: Biểu hiện hay gặp ở bệnh nhân bị suy yếu bàng quang, khiến co bóp bất thường. Ngoài ra, nguyên nhân tắc nghẽn tuyến tiền liệt cũng gây ra đái vãi, ở phụ nữ là do sa tử cung, hoặc táo bón.
Đọc thêm:
- Tập luyện dưỡng sinh ở người cao tuổi ngăn ngừa quá trình lão hóa
- 9 bài tập Yoga cho người cao tuổi sống thọ, sống lâu
Khi đái rỉ liên tục: Xảy ra khi rối loạn chức năng bàng quang do bệnh lý thần kinh: tổn thương tủy sống, đột quỵ, tổn thương thần kinh ngoại biên, sau cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc ở nam giới.
Không kiểm soát chức năng tiểu: các cơ quan hệ tiết niệu bình thường nhưng bệnh nhân do rối loạn tâm thần hay sa sút trí tuệ nên không quan tâm đến các quy tắc xã hội về thời gian, địa điểm đi tiểu.
3. Nên làm gì để cải thiện tiểu không kiểm soát
3.1. Các phương pháp luyện tập
- Tập luyện bàng quang: Tập thói quen cho bàng quang co bóp ổn định bằng cách đi tiểu vào một số khung giờ cố định. Việc này cần thực hiện thường xuyên kể cả người cao tuổi chưa có dấu hiệu buồn đi tiểu. Phương pháp này giúp bàng quang có thói quen, nhịp độ cố định khi tiếp nhận phản ứng đi tiểu từ não bộ.
- Tập luyện cơ vùng chậu: Việc tập luyện vùng cơ chậu thêm vững chắc giúp kiểm soát tốt lượng nước tiểu. Tuy nhiên cần tuân thủ hướng dẫn về kỹ thuật từ nhân viên y tế để đảm bảo hiệu quả và tránh chấn thương.
3.2. Những lưu ý giúp cải thiện triệu chứng của bệnh
- Giảm lượng nước uống, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Ngừng hoặc giảm các loại thức ăn hoặc nước uống làm cho các triệu chứng khởi phát hoặc trầm trọng hơn. Thông thường các loại thực phẩm này là rượu, cafe hay các loại thức ăn cay hoặc nóng.
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân
- Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hãy cố gắng hạn chế lượng đường để kiểm soát đường huyết nhiều nhất có thể
- Nếu bạn có sử dụng các loại thuốc nhóm lợi tiểu hãy lưu ý. Nhóm thuốc lợi tiểu tăng nhu cầu đi tiểu do đó hãy uống khi cần thiết và gần nhà vệ sinh.
4. Điều trị tiểu không kiểm soát
Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân để lên kế hoạch điều trị dứt điểm.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiểu không kiểm soát và tình trạng bệnh nặng, nhẹ của bệnh nhân, nếu cảm thấy bất ổn việc đầu tiên cần làm là đến gặp bác sĩ. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh hiện tại, mà bác sĩ sẽ dùng thuốc, phẫu thuật hoặc chỉ định các phương pháp điều trị khác.
- Điều trị bảo tồn
điều trị các bệnh lý liên quan gây ra chứng tiểu không kiểm soát. Nguyên nhân là do các bệnh lý gây ra tình trạng đa niệu, tiểu đêm, tăng áp lực ổ bụng và rối loạn hệ thần kinh trung ương
Điều trị bảo tồn thường thực hiện trên một số bệnh nhân mắc các bệnh suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn thần kinh, đột quỵ, sa sút tâm thần, đa xơ cứng, rối loạn nhận thức, rối loạn giấc ngủ…
- Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ sẽ chỉ định việc sử dụng thuốc đặc hiệu để cải thiện tình trạng chứng tiểu không kiểm soát. Các can thiệp không xâm lấn như: kích thích điện học bằng các điện cực bề mặt tại tầng sinh môn, da vùng xương mu, thành âm đạo; Sử dụng các xung từ tại vùng tầng sinh môn và xương cùng cũng được xem xét để cải thiện chứng tiểu không kiểm soát.
- Điều trị bằng phẫu thuật
Với những người không đáp ứng được các biện pháp trên thì phẫu thuật là phương pháp cuối cùng
Các biện pháp như làm đầy thành niệu đạo bằng các hạt silicon, chất collagen được tiêm vào niệu đạo. Việc này tăng khả năng đóng mở của cơ thắt, kiểm soát được hoạt động tiểu tiện
Một biện pháp khác là thủ thuật treo niệu đạo bầng cách sử dụng mô của chính bệnh nhân, kết hợp vật liệu tổng hợp để tạo ra một chỗ treo giúp hỗ trợ niệu đạo, cải thiện rò rỉ nước tiểu không kiểm soát.
Ngoài ra các bệnh nhân được khuyến khích thực hiện các bài tập nhất định như các bài tập sàn chậu hoặc đào tạo bàng quang, để giúp tăng khả năng kiểm soát bàng quang.
Một số mẹo nhỏ cũng giúp bạn góp phần kiểm soát được tình trạng tiểu không kiểm soát, ví dụ như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc uống nước.
- Thiết kế sao cho vệ sinh gần và thuận tiện nhất trong khi buồn đi vệ sinh.
- Có thể sử dụng miếng lót hoặc miếng thấm thấm.
- Bạn cũng cần tuân thủ lối sống lành mạnh để có một bàng quang khỏe mạnh, phòng ngừa và giảm nguy cơ phát triển chứng tiểu không kiểm soát.