pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nét đẹp văn hóa của tục mẹ chồng trao nón cho con dâu trong lễ cưới
Trong xã hội hiện đại, phong tục cưới hỏi cũng đã được thay đổi rất nhiều phù hợp với sự tiến bộ và phát triển của kinh tế - xã hội. Mặc dù trong các lễ cưới hỏi hiện nay đã cắt giảm những thủ tục rườm rà, lạc hậu, nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, trong đó có thủ tục mẹ chồng trao nón cho con dâu trong ngày cưới. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy.
Với người dân Việt Nam, từ bao đời này, chiếc nón lá không chỉ là vật dùng để che nắng, che mưa mà còn góp phần làm tôn lên vẻ đẹp duyên dáng cho người phụ nữ thêm rạng ngời. Với ý nghĩa và tinh thần đó, hiện nay, tại nhiều vùng quê ở Thanh Hóa, vào ngày lễ cưới con trai, mẹ chồng thường chuẩn bị một chiếc nón mới để dành trao tặng cho con dâu ngay từ khi bước vào ngõ nhà chồng để làm dâu. Đây là một tặng phẩm đặc biệt mang ý nghĩa thiêng liêng mà mẹ chồng đã chuẩn bị để trao cho con dâu trong lễ cưới.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, hiện nay xã hội đã phát triển, phụ nữ cũng rất ít đội nón, đặc biệt là các bạn trẻ thì càng ít sử dụng hơn, vậy vì sao mẹ chồng lại trao nón cho con dâu? Chị Thu Hường hiện đang công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết: Bản thân chị vừa được lên chức mẹ chồng, được trải qua những giây phút trao chiếc nón lá cho con dâu mới thấy thật sự xúc động và có ý nghĩa. Nón được trao phải là nón mới tinh mà chính mình đã chuẩn bị từ lâu. Nón được lựa chọn rất kỹ và công phu. Lá nón phải mỏng và nhẹ, được quang một lớp dầu bóng, thơm mùi tinh dầu gỗ thông như là sự kết nối bền chặt của hai con.
Bên trong nón được trang trí chữ "Song Hỷ" tượng trưng cho niềm hạnh phúc của hai bên gia đình. Quai nón được thắt bằng dải lụa màu hồng mềm mại được kết nối bởi hai đầu yêu thương, được buộc chặt và kết nối qua những sợi chỉ hồng, tượng trưng cho hạnh phúc của lứa đôi thắm tình son sắc.
Việc mẹ chồng trao nón cho con dâu trong ngày lễ cưới như một minh chứng từ nay con đã chính thức là một thành viên mới của gia đình, của họ hàng nội ngoại hai bên, con dâu sẽ được mẹ chồng dạy bảo về hiếu nghĩa cha mẹ con cái, về tình nghĩa anh em, về bổn phận dâu thảo mẹ hiển, về nền nếp gia đình. Kể từ đó, con dâu sẽ được che chở trong tình yêu thương của người bạn đời, đó chính là chồng. Kể từ đó, người con dâu sẽ đảm nhận trách nhiệm chính như là trụ cột gánh vác, đỡ đần người mẹ chồng trong việc chăm lo cho cuộc sống gia đình luôn được hạnh phúc ấm êm, no ấm đủ đầy.
Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, nhiều thủ tục trong việc cưới hỏi cũng sẽ phải đổi thay để phù hợp với thời đại. Nhưng thủ tục mẹ chồng trao nón mới cho nàng dâu trong ngày cưới sẽ luôn được tồn tại và giữ gìn để trở thành một nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới ở một số vùng quê, để cho các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn và tự hào hơn về nét đẹp văn hóa truyển thống của quê hương mình.