“Nếu được chọn lại vẫn sẽ chọn nghề may”

Lan Hương
08/04/2023 - 17:56
“Nếu được chọn lại vẫn sẽ chọn nghề may”

Mô hình may thêu trang phục của chị Mùa Thị Mỷ

Sinh ra trong gia đình khó khăn, được đi học là một điều hạnh phúc với chị Mùa Thị Mỷ (Bản Mường Toong 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Với mong muốn “đổi đời”, chị đã chăm chỉ học tập, rèn luyện tay nghề và có nhiều ý tưởng để phát triển mô hình may thêu trang phục dân tộc Mông.

Vạn sự khởi đầu nan

Kể về hành trình cuộc đời mình, chị Mỷ cười đùa "có viết bao nhiêu cũng không hết". Đúng thật là vậy, một hành trình dài đầy những khó khăn thử thách và sự kiên trì của người con gái dân tộc Mông.

Mới lên lớp 7, chị đã bị bố mẹ cho nghỉ học ở nhà đi nương, làm rẫy. Khao khát được đi học để đổi đời cứ nung nấu trong chị nhưng chị cũng không thể thay đổi được hoàn cảnh. Tình cờ chồng chị (hiện tại) đi công tác qua nhà thấy cô bé dễ thương nên ngỏ lời muốn cưới cô làm vợ. Chỉ vì câu nói "Lấy anh về anh sẽ cho đi học" mà cô gái 14 tuổi năm ấy sẵn sàng theo anh về nhà.

Chị Mỷ được đi học lại nhưng cuộc sống gia đình cứ thế vướng chân đường đến trường của chị. Chị vừa đi học lại mang bầu rồi chăm con nhỏ. Từ lớp 8 đến lớp 12 là hai lần sinh nở; chị địu con đi học; tay bồng tay bế, tay cầm sách vở ôn bài.

Đam mê với văn hóa nghệ thuật nhưng chưa thể chạm được giấc mơ, chị đã khóc rất nhiều. Một năm sau, chị quyết định học Cao đẳng Y tế Điện Biên. Có trong tay tấm bằng Y nhưng để đến được với nghề còn rất khó khăn, chị lại đành gác lại tấm bằng ấy.

Chị bắt đầu làm nông nghiệp từ con số 0 và rồi lại trở về con số âm. Gia đình chị đầu tư trồng 2ha chuối nhưng chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây, chọn đất cát phù hợp cho cây phát triển nên một vườn cây đầu tư 20 đến 30 triệu đồng đã bị sâu bệnh chết hết.

Chị tiếp tục nuôi lợn nhưng dịch bệnh đến và "xóa sổ" luôn đàn lợn của chị. Sau những lần mạnh dạn đầu tư không thành, chị quay về làm nương rẫy. Cuộc sống quanh quẩn với ruộng nương, lúa ngô việc làm vất vả mà cuộc sống không đủ ăn. "Chắc mình không có duyên với làm nông, mình phải chọn cho mình hướng đi khác thì mới có tương lai được", chị Mỷ tâm sự.

Chồng chị khuyên chị ở nhà chăm con, kinh tế để chồng trang trải nhưng với ý chí của bản thân, chị không cho phép mình bỏ cuộc, tự mình phải làm chủ được cuộc sống của chính mình.

Những ý tưởng đổi đời

Tuy sinh ra, lớn lên ở vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng tư tưởng của chị Mỷ thì chưa bao giờ "lỗi thời". Chỉ có học tập mới mang lại tương lai tươi sáng và phải thoát khỏi cái nghèo đói này. Chị hay xem các chương trình thời trang, các show diễn quốc tế, chị ấn tượng bởi cách phối đồ của các nhà thiết kế.

Chị suy nghĩ các nước phát triển như Trung Quốc, Thái Lan thì thổ cẩm rất phát triển mà Việt Nam, đặc biệt vùng của chị có nguồn thổ cẩm phong phú nhưng lại rất ít thợ có tay nghề cao trong thiết kế hay may mặc. Vì vậy chị đã suy nghĩ làm sao để đưa thổ cẩm dân tộc phát triển. Chị nhận ra con đường mới mà bản thân cần theo đuổi. Từ đó, chị mạnh dạn đi học để tự mình thiết kế ra những bộ trang phục đặc sắc nhất.

Với số vốn 50 triệu từ nguồn vay Ngân hàng chính sách xã hội do Hội LHPN giúp đỡ, chị đã đầu tư để đi học và mua máy móc. Năm 2016, chị Mỷ lên Hà Nội học khóa may cơ bản 6 tháng. Sau đấy mua một chiếc máy may nhỏ để vừa làm vừa tự nâng cao tay nghề.

Từ những trang phục truyền thống, chị đã tự biến tấu, tạo ra kiểu dáng mới cho trang phục phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó, chị cũng tự thiết kế, dùng chất liệu thổ cẩm tạo ra những trang phục hiện đại.

Những bộ váy dài thướt tha mang nét đẹp truyền thống, hiện đại của chị Mỷ

Chị Mỷ chia sẻ: "Mỗi năm xu hướng thời trang đều có sự thay đổi nên mình phải nhanh chóng cập nhật, nắm bắt xu thế cho hợp với thời hiện đại". Không chỉ tiếp cận xu hướng, chị Mỷ cũng thường xuyên học tập nâng cao tay nghề qua các lớp học, học qua sách vở, học trên các nền tảng mạng xã hội.

Tận dụng mạng xã hội đang phát triển, những năm  2017-2018, những sản phẩm làm ra được chị đăng lên Facebook, Tiktok để quảng bá tới bạn bè, người thân. Mọi người mua về sử dụng đánh giá về chất lượng sản phẩm tốt lại truyền tai nhau, giới thiệu người này người kia nên sản phẩm của chị dần được nhiều người biết đến. Khi khách đặt hàng với số lượng lớn, chị thường để khách đặt cọc trước. Vì thế ít có trường hợp bị "bùng"hàng. Giá của mỗi bộ trang phục từ 100 nghìn đồng đến 2 - 3 triệu tùy vào mẫu mã, chất liệu sản phẩm.

Chị Mỷ rạng rỡ bên những trang phục do chính tay mình thiết kế và may đo

Chị luôn nắm bắt được tâm lý khách hàng để phục vụ nhu cầu của khách. Khách du lịch thường yêu thích những mẫu thiên về hướng truyền thống, khách truyền thống lại thích những mẫu mang hơi hướng hiện đại.

Đến nay mô hình may cũng đã được phát triển ở Mường Toong, nhiều người có ý tưởng giống chị nên có sự cạnh tranh. Chị dạy đào tạo tay nghề cho nhiều học viên và có khoảng 2-3 nhân công hỗ trợ công việc giúp chị.

“Nếu được chọn lại vẫn sẽ chọn nghề may” - Ảnh 3.

Chị Mỷ (trái) dạy học viên may

Chị có ý tưởng thiết kế áo váy mùa hè, dự định đầu tư dàn máy in công nghệ, máy dập ly để phát triển nghề may và nhiều ý tưởng đẹp trong kế hoạch nhưng không có vốn nên khó thành hiện thực. Cơ sở còn nhiều khó khăn, để nhập nguyên vật liệu cần rất nhiều vốn. Tất cả số tiền lời lãi đều đầu tư vào "đứa con tinh thần" này, dư giả một chút thì chăm lo cho gia đình. Thu nhập những năm đầu thu được 60 -70 triệu/ năm, những năm sau tay nghề khá hơn thu nhập được 200-300 triệu đồng/ năm.

Chị Mỷ mong muốn các cấp hội phụ nữ hỗ trợ nhiều hơn đặc biệt về vốn. Để phát triển mô hình cũng cần sự hỗ trợ rất nhiều của chính quyền địa phương như đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cho người dân phát triển.

Theo chị để làm nên thành công như hôm nay chị biết ơn những thất bại, tuyệt vọng trong cuộc sống để chị không ngừng cố gắng, phấn đấu có một sự đổi thay tốt hơn. "Trước khi khởi nghiệp phải có kiến thức, không ngừng tìm tòi học hỏi thì trong quá trình thực hiện tỷ lệ thất bại sẽ thấp hơn", chị Mỷ chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân.

Đến nay cuộc sống của gia đình chị Mỷ đã ổn định, để lựa chọn lại giữa nghề y và nghề may chị vẫn kiên định sẽ chọn nghề may này.

Liên hệ:

Chị Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Số điện thoại: 0365.580.579

Giá sản phẩm: Từ 150.000 đồng đến 3.000.000 đồng (tùy vào kiểu dáng, chất liệu).

Bí quyết thành công của chị Mùa Thị Mỷ

- Trước khi khởi nghiệp phải có kiến thức, kế hoạch cụ thể để ít mắc rủi ro nhất.

- Cập nhật xu thế thời trang trong nước và quốc tế để sản phẩm không bị lỗi mốt.

- Nắm bắt tâm lý khách hàng.

- Tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.

- Luôn rèn luyện nâng cao tay nghề, không ngừng học hỏi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm