Bác sĩ Trương Quang Việt, Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Hiện nay, tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng, theo thống kê, tại nhiều địa phương tỷ lệ mắc trong nhóm đối tượng trên 40 tuổi chiếm 40%. Trong 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Mặc dù vậy, tỷ lệ được quản lý, theo dõi và điều trị còn rất thấp, chỉ chiếm 30% số người bị tăng huyết áp. Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người trong số họ không biết mình mắc bệnh.
Theo điều tra của Hội Tim mạch học Việt Nam, khoảng 48% người Việt Nam trưởng thành trong diện điều tra mắc bệnh tăng huyết áp. Nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp. Do đó, không ít trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.
Theo TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, người bị tiểu đường dễ bị biến chứng tăng huyết áp. Trong khi đó, nếu bị tăng huyết áp, người bệnh có nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp 3 lần người khác. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh tăng huyết áp còn có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu, suy thận…
Theo GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ, tăng huyết áp dễ phát hiện. Chỉ cần đo huyết áp sẽ biết được bệnh, tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại không biết được con số huyết áp của mình. Vì vậy, cần khám sức khỏe định kỳ, lưu ý về thông số huyết áp của mình kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể dục điều độ.
Để phòng chống tăng huyết áp, giảm thiểu tối đa những biến chứng âm thầm và nguy hiểm do căn bệnh gây nên, người dân tăng cường lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh và hoa quả; tăng cường vận động, nên tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày và đặc biệt phải quan tâm đến chỉ số huyết áp của mình.
Bên cạnh đó, cần giảm những đồ ăn mỡ động vật, gan, não, trứng, thực phẩm chứa nhiều cholesterol... Người tăng huyết áp cần hạn chế uống rượu, bia, giảm bớt cân nặng, tránh béo phì. Ngoài ra, cần kết hợp giữa làm việc với nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, tránh stress, hạn chế tối đa cáu giận… Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có).
Phấn đấu phát hiện 70% số người bị tăng huyết áp vào năm 2030 Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam được. Một trong những mục tiêu của chương trình đến năm 2025 và 2030, phấn đấu phát hiện tỷ lệ người mắc tăng huyết áp lần lượt là 50% và 70%; tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý lần lượt là 25% và 40%. Hiện nay, có tới 70% người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Thậm chí, trong số người đã phát hiện bệnh, chỉ có gần 29% được điều trị tại các cơ sở y tế. |